Lễ hội cầu ngư ở Vĩnh Lợi
Ðến hẹn, mùng 10 tháng Giêng âm lịch, ngư dân vùng biển Vĩnh Lợi (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) lại nô nức tham gia lễ hội cầu ngư. Lễ hội cầu ngư ở Vĩnh Lợi là nét văn hóa tín ngưỡng của ngư dân miền biển tưởng nhớ công đức của thần Nam Hải (cá ông - tức cá voi) và các bậc tiền hiền, hậu hiền có công khai khẩn mở mang vạn chài.
Lễ hội cầu ngư ở Vĩnh Lợi được tổ chức đầy màu sắc, mang đậm nét văn hóa riêng của Bình Định. Ảnh: NGỌC NHUẬN
Ngoài Lăng Ông Nam Hải, tại làng chài Vĩnh Lợi (hiện nay gồm 3 thôn: Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2 và Vĩnh Lợi 3) còn có nhiều đình, miếu, dinh thờ thần hoàng bổn xứ, Bà thủy tổ nương nương, các bậc tiền hiền gắn với tín ngưỡng tâm linh của ngư dân. Theo lệ, ở vạn chài Vĩnh Lợi mỗi năm diễn ra hai lần Lễ hội cầu ngư vào mùng 10 tháng Giêng tại Lăng Nam Hải thánh điện (Lăng Ông đại) và mùng 10 tháng Tư âm lịch tại Lăng Hải Thánh đường (Lăng Từ đường). Năm nay, Lễ hội được tổ chức từ ngày 31.1 - 4.2 (tức mùng 10 - 14 tháng Giêng) là chánh kỵ của Ông đại, gồm các nghi lễ, như: Thăm quan (kiểm tra các quan quách đựng cốt cá Ông); thăm sắc (kiểm tra các sắc phong của các vua triều Nguyễn); khai sắc và rước sắc từ Lăng Từ đường đến Lăng Ông đại; nghinh thần Nam Hải nhập điện về Lăng Ông đại; tế chánh kỵ Ông đại, tế tĩnh sinh, tế khởi ca và tế tôn vương.
Ông Đỗ Như Ý, Trưởng vạn chài Vĩnh Lợi, cho biết: Lăng từ đường được tạo lập năm 1791, hiện còn lưu giữ 5 sắc phong của các đời vua triều Nguyễn, gồm: Thiệu Trị (năm 1841), Tự Đức (năm 1847), Đồng Khánh (năm 1885) và Khải Định (năm 1916). Các sắc phong được xem là báu vật truyền thừa của làng được gìn giữ, thờ tự tôn nghiêm từ ngày được phong đến nay. Mỗi năm, duy nhất một lần vào sáng mùng 10 tháng Giêng mới thực hiện nghi thức mở khóa tráp khai sắc và rước sắc đến Lăng Ông đại để tổ chức các nghi lễ, rồi đưa sắc về thờ tại Lăng Từ đường.
Làng chài Vĩnh Lợi cũng là nơi duy nhất trong tỉnh có hai Lăng Ông Nam Hải được tạo lập trong cùng một vạn chài. Cụ Nguyễn Của (88 tuổi, ở thôn Vĩnh Lợi 3) cho biết: Theo lời các cụ cao niên trước đó kể lại, khoảng 200 năm trước, có một Ông lụy vào bờ rất lớn (Ông đại), ngư dân phải để Ông nằm dưới biển rồi dùng cọc tre bao quanh để giữ xác và đắp cát vun thành mộ, dựng một ngôi lăng bằng tranh tre, sau tôn tạo xây dựng lăng kiên cố hơn để thờ riêng Ông đại. Còn Lăng từ đường thờ các Ông nhỏ hơn Ông đại - Ông trung, Ông tiểu cùng các bậc tiền hiền, hậu hiền.
Lễ hội cầu ngư ở Vĩnh Lợi có đoàn rước lễ hoành tráng với đội gươm, đội bá trạo, đoàn cờ lọng, nhã nhạc nghiêm trang bên án rước nghinh thần. Đoàn rước di chuyển từ Lăng từ đường đến Lăng Ông đại để bái yết, rồi lên tàu cá tiến ra cửa biển Đề Gi cúng rước thần Nam Hải về Lăng Ông đại. Từ biển về lại Lăng Ông đại, đội gươm và đội bá trạo trên tàu sẽ biểu diễn nghinh thần cho đến khi về Lăng Ông đại thực hiện các nghi thức tế lễ.
So với các địa phương khác, nghệ thuật múa gươm và bá trạo ở Vĩnh Lợi mang nhiều màu sắc độc đáo thể hiện trên trang phục, các nhân vật được hóa trang theo kiểu mặt nạ tuồng Bình Định; các động tác trình diễn đều thể hiện chất võ thuật cổ truyền Bình Định. Sau lễ khởi ca, Đoàn tuồng Ngô Mây biểu diễn trích đoạn Tam anh chiến Lữ Bố (vở tuồng Cổ thành) và biểu diễn tuồng trong các đêm diễn ra lễ hội để phục vụ nhân dân địa phương.
Không chỉ ngư dân địa phương, mà những người làm ăn ở xa cũng háo hức trở về tham dự Lễ hội cầu ngư. Anh Trần Quốc Đại, ở thôn Vĩnh Lợi 3, hiện đang sinh sống tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, chia sẻ: Tôi cũng như nhiều người dân ở Vĩnh Lợi đang sinh sống phương xa đều nhớ đến lễ hội cầu ngư quê mình như hướng về cội nguồn văn hóa. Năm nay, tôi sắp xếp về quê đón Tết và ở tới ngày dự lễ hội cầu ngư. Mấy năm nay, tôi cùng một số anh em đóng góp để tôn tạo Lăng Ông, sắm thêm một số trang phục để lễ hội quê mình ngày càng đẹp đẽ, sắc màu hơn.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN