Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn dâng hoa, dâng hương các nhà lưu niệm chi bộ, di tích lịch sử
(BĐ) - Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3.2.1930 - 3.2.2023), sáng 3.2, đồng chí Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, đi thăm, dâng hương tại Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi (phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn), di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương (phường Hoài Thanh Tây, TX Hoài Nhơn), Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức (xã Ân Tín, huyện Hoài Ân).
Cùng đi có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Nguyễn Giờ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Phong Vũ - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Đoàn công tác tham quan các hiện vật lịch sử tại Nhà lưu niệm Chi bộ Cửu Lợi. Ảnh: D.Đ
Tại các nhà lưu niệm, di tích lịch sử, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn cùng các thành viên đoàn công tác của tỉnh và lãnh đạo TX Hoài Nhơn, huyện Hoài Ân thành kính dâng hoa, dâng hương tưởng niệm các đồng chí đảng viên đầu tiên của các chi bộ, ghi nhớ công lao và sự hy sinh quên mình của các bậc tiền bối, các bậc lão thành cách mạng cho phong trào cách mạng của tỉnh và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Các đồng chí lãnh đạo cũng tham quan các gian trưng bày hiện vật lịch sử, ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương, trong đó có công đóng góp của các thế hệ đảng viên đi trước.
Vào tháng 2.1928, Kỳ bộ Nam kỳ đã cử người về giúp Hoài Nhơn thành lập Chi bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở thôn Cửu Lợi, do đồng chí Nguyễn Trân làm Bí thư. Tháng 8.1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Nhơn (nay là TX Hoài Nhơn) được thành lập tại thôn Cửu Lợi, xã Tam Quan Nam (nay là phường Tam Quan Nam). Đến tháng 11.1930, Đảng bộ huyện Hoài Nhơn được thành lập và là Đảng bộ đầu tiên của tỉnh có số lượng đảng viên đông nhất và lực lượng quần chúng mạnh mẽ nhất lúc bấy giờ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn dâng hương tại đền thờ di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương. Ảnh: D.Đ
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dâng hương tưởng nhớ các đảng viên, quần chúng hy sinh, bị địch bắt tù đày trong Cuộc biểu tình năm 1931 Cây số 7 Tài Lương. Ảnh: D.Đ
Cuộc biểu tình năm 1931 tại Cây số 7 Tài Lương là cuộc biểu tình đánh dấu mốc lịch sử quan trọng trong cao trào cách mạng năm 1930 - 1931 của tỉnh. Cuộc biểu tình diễn ra đêm 22, rạng sáng 23.7.1931 tại Cây số 7 Tài Lương. Dưới dự lãnh đạo của Đảng, được sự hỗ trợ của lực lượng Tự vệ đỏ, cuộc đấu tranh thu hút hơn 3.000 người tham gia. Cuộc biểu tình trở thành cuộc bạo động, đoàn biểu tình trấn áp đoàn phu, thám báo, đốt cháy ô tô của đồn lính khố xanh Bồng Sơn... Tuy cuộc biểu tình bị đàn áp nhưng đó là đòn tiến công quyết liệt, làm lung lay bộ máy chính quyền địch; khẳng định sự lớn mạnh của Đảng bộ và phong trào cách mạng huyện Hoài Nhơn lúc bấy giờ.
Đoàn công tác của tỉnh và huyện Hoài Ân tham gia lễ dâng hương, dâng hoa tại Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức. Ảnh: D.Đ
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Kim Toàn tham quan các hiện vật lịch sử tại Nhà lưu niệm Chi bộ Vạn Đức. Ảnh: D.Đ
Chi bộ Vạn Đức là chi bộ cộng sản đầu tiên của huyện Hoài Ân được thành lập đầu tháng 7.1931, do đồng chí Nguyễn Châu (ở thôn Vạn Đức, xã Ân Tín) làm Bí thư. Buổi đầu thành lập, Chi bộ có 3 đồng chí: Nguyễn Châu, Phan Cân, Trần Hành. Tuy số đảng viên ít, các tổ chức quần chúng còn non trẻ, nhưng chi bộ đảng đầu tiên của huyện Hoài Ân xứng đáng là hạt nhân lãnh đạo của phong trào cách mạng địa phương. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, mở đầu cho phong trào đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hoài Ân.
DUY ĐĂNG