Ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi mua bán, đốt pháo nổ
Pháp luật đã quy định mọi hành vi mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại pháo sẽ bị xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự tùy tính chất, mức độ. Tuy nhiên, do lợi nhuận hoặc coi thường pháp luật, một số người vẫn lén lút sản xuất, tàng trữ và sử dụng các loại pháo nổ, nhất là trong dịp tết Quý Mão 2023.
Những ngày đầu xuân, thay vì tập trung cho công việc, anh N.V.H. (SN 1989, ở phường Tam Quan Nam, TX Hoài Nhơn) lại phải lên trụ sở UBND phường Tam Quan (TX Hoài Nhơn) làm việc về hành vi đốt pháo nổ và bị xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng. Anh H., cho biết, thông qua mạng xã hội Facebook, anh đã đặt mua một hộp pháo với giá 750 nghìn đồng để đêm Giao thừa đốt cùng bạn bè cho vui.
CA TX Hoài Nhơn kiểm tra, xử lý một trường hợp mua bán pháo. Ảnh: CA TX Hoài Nhơn
“Tôi có biết quy định cấm đốt pháo, nhưng vì người bán nói đốt pháo này không sao, lại nghĩ đốt xa khu dân cư, không ảnh hưởng tới ai nên cứ thế làm. Đúng là vui đâu không thấy, chỉ thấy hành vi của mình vừa vi phạm pháp luật vừa tốn tiền. Từ nay thì tôi xin chừa!”, anh H. nói.
Trước đó, khoảng 23 giờ 50 phút ngày 21.1 (tức đêm Giao thừa), tại bãi đất cách đường bê tông trước nhà văn hóa khu phố 8 (phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) khoảng 1 m, anh H. đã thực hiện hành vi đốt pháo trái phép và bị CA phường Tam Quan phát hiện, lập biên bản.
Thực tế, trong dịp Tết năm nay, tại nhiều khu dân cư, tình trạng đốt pháo nổ vẫn xảy ra trong đêm khuya hoặc chiều tối. Tại nhiều nơi, tang vật là xác pháo vẫn ngổn ngang. Sở dĩ có tình trạng này là do ý thức của một bộ phận người dân chấp hành pháp luật chưa được tốt, cũng như chưa phân biệt được đâu là loại pháo được cho phép đốt, đâu là loại pháo nghiêm cấm.
Theo đại tá Lê Thanh Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh), Nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo chỉ cho phép người dân được sử dụng pháo hoa; là sản phẩm được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, có chứa thuốc pháo hoa, khi sử dụng sẽ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, màu sắc, ánh sáng trong không gian và không gây ra tiếng nổ. Thực tế, loại pháo hoa này người dân đã sử dụng trong các dịp cưới hỏi, sinh nhật trước khi Nghị định 137 ra đời. Còn pháo hoa nổ là loại pháo có chứa thuốc pháo nổ, thuốc phóng; chỉ được sử dụng trong các dịp lễ, Tết, sự kiện chính trị lớn của đất nước, được sử dụng bởi các cơ quan, tổ chức nhất định.
“Nghị định hoàn toàn cấm cá nhân sử dụng pháo hoa nổ, nếu người dân cố tình sử dụng, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự”, đại tá Hà cho biết.
Đây cũng chính là lý do Đỗ Thành Thật (SN 1993, ở phường Hoài Thanh, TX hoài Nhơn) vừa bị Viện KSND TX Hoài Nhơn truy tố về hành vi “buôn bán hàng cấm” theo điều 191 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, Thật đã bị Đội CSĐT tội phạm về kinh tế - chức vụ (CA TX Hoài Nhơn) bắt quả tang khi đang vận chuyển pháo bằng mô tô lưu thông trên tuyến QL 1A đoạn qua phường Hoài Thanh Tây (TX Hoài Nhơn). Làm việc với cơ quan CA, Thật cho biết mua pháo trên mạng xã hội rồi bán lại kiếm lời. Cơ quan CA đã thu giữ 9,45 kg pháo.
Mới đây, thông qua công tác tuần tra địa bàn, CA huyện Tuy Phước cũng đã đẩy đuổi một nhóm đối tượng; thu giữ 14 viên pháo tự chế, 9 hộp pháo hoa nổ loại 49 viên, 4 viên pháo banh và 1 viên pháo tống; đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định pháp luật.
Việc tuần tra, kiểm soát, khép kín địa bàn để kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các hành vi vi phạm về pháo là cần thiết. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, chính quyền địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành các quy định của pháp luật liên quan; nâng cao tinh thần tố giác của quần chúng đối với hành vi vi phạm liên quan đến pháo để loại trừ các sai phạm liên quan đến pháo nổ dịp Tết.
KIỀU ANH