Mùa xuân - phòng bệnh viêm phổi cho trẻ
Khi thời tiết chuyển từ đông sang mùa xuân độ ẩm cao khiến vi sinh vật, nấm mốc phát triển mạnh và gây bệnh. Hơn nữa, hệ thống miễn dịch của trẻ em còn chưa hoàn chỉnh, vì vậy, vào mùa xuân trẻ rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh viêm phổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở các nước Đông Nam Á, tỷ lệ viêm phổi cao gấp 7 lần các nước phát triển, trong đó có Việt Nam. Ở nước ta, viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu khi trẻ được đưa đến khám và đây cũng là nguyên nhân hàng đầu gây nguy hiểm cho trẻ.
Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ có thể do vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng. Trong đó, thường gặp nhất là viêm phổi do vi khuẩn phế cầu... Các yếu tố thời tiết giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột dẫn đến mắc bệnh viêm phổi và tái phát bệnh ở trẻ. Yếu tố môi trường sống, trong đó có nguồn nước, nguồn không khí ngày càng ô nhiễm và nhiều khói bụi; môi trường sống đông đúc, kém vệ sinh… cũng gây ra bệnh viêm phổi. Trẻ không được tiêm phòng đầy đủ, đúng lịch, không được chăm sóc sức khỏe ban đầu tốt, tình trạng trẻ suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A, thiếu kẽm… cũng là nguyên nhân mắc bệnh viêm phổi ở trẻ.
Bác sĩ Phạm Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi, BVĐK tỉnh, cho biết: “Trẻ bị viêm phổi có biểu hiện ban đầu là sốt, ho khan, chảy mũi nước, mệt mỏi sau đó ho có đàm, thở nhanh. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ sẽ có những dấu hiệu nặng hơn như: Tím tái da niêm mạc, thở rút lõm lồng ngực, co kéo cơ liên sườn, rút lõm hõm trên ức, phập phồng cánh mũi, thở rên… dễ dẫn đến tử vong, đặc biệt trẻ dưới 12 tháng tuổi và kèm dị tật bẩm sinh”.
Khi trẻ mắc bệnh cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Trong thời gian điều trị cần tăng cường cho trẻ ăn đủ chất dễ tiêu, bú đều đặn, tránh các tập quán kiêng ăn. Khi trẻ vừa khỏi bệnh cũng cần bồi dưỡng thêm cho trẻ mau lại sức.
Đối với trẻ nhỏ, khi mắc bệnh đường hô hấp cần làm thông thoáng mũi như nhỏ nước muối sinh lý, dùng giấy thấm lau mũi cho trẻ, giúp trẻ bú, ăn dễ dàng hơn. Cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng cường cho trẻ bú để làm loãng đờm. Trẻ được sống ở môi trường trong lành, không bụi khói độc hại, nhang trừ muỗi, thuốc lá, tránh khí độc, ô nhiễm, nơi ở tối tăm chật chội ẩm thấp, tránh tối đa nguồn lây; nên giữ ấm đường thở cho trẻ bằng cách mặc đủ ấm, giữ ấm cổ họng, đeo khẩu trang khi ra đường, đội mũ kín tai, sử dụng nước ấm.
Không tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ, cho trẻ uống thuốc đủ liều theo chỉ định của bác sĩ. Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ, ngoài các loại vắc xin thông thường bắt buộc phải tiêm cho trẻ, có một số loại vắc xin nên bổ sung thêm cho trẻ để ngăn ngừa bệnh hô hấp như vắc xin phòng các bệnh phế cầu, vắc xin phòng cúm, mỗi năm tiêm 1 lần, nên tiêm trước khi vào mùa lạnh khoảng 1 tháng để khi vào mùa lạnh vắc xin có tác dụng phòng bệnh. Tránh tiêm vắc xin nếu trẻ đang bị cúm hoặc nghi ngờ có nhiễm cúm cũng như các bệnh nhiễm trùng khác.
THU PHƯƠNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)