Nâng cao hiệu quả truyền thông, bảo vệ sức khỏe nhân dân
Sở Y tế vừa có Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu truyền thông về tác hại của lạm dụng muối, đường trong khẩu phần ăn, các bệnh rối loạn chuyển hóa do dinh dưỡng và lười vận động, dự phòng một số bệnh truyền nhiễm cơ bản và bệnh không truyền nhiễm cơ bản trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh từ nay đến năm 2030. Phóng viên Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Trung, Phó Giám đốc Sở Y tế, về Chương trình này.
● Ngoài giải pháp về chính sách pháp luật, để thực hiện được các mục tiêu mà Chương trình đề ra, chúng ta có những giải pháp truyền thông - vận động xã hội nào, thưa ông?
- Chúng ta phải sử dụng hiệu quả mạng lưới thông tin truyền thông để thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch và bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm khác. Cùng với đó, sản xuất và cung cấp các thông điệp, tài liệu truyền thông phù hợp với phương thức truyền thông và các nhóm đối tượng, bao gồm: Truyền thông trên thông tin đại chúng; truyền thông vận động chính sách; truyền thông tại cộng đồng; truyền thông hướng dẫn trong các cơ sở dịch vụ ăn uống; truyền thông trong trường học; truyền thông cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Điều trị bệnh nhân tăng huyết áp tại TTYT TX An Nhơn. Ảnh: T. KHUY
Đồng thời, đẩy mạnh các chương trình, hoạt động truyền thông vận động nâng cao hiểu biết, trách nhiệm của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Triển khai các chương trình, chiến dịch truyền thông thay đổi hành vi của người dân: Định kỳ hằng năm tổ chức một chiến dịch truyền thông trên phạm vi toàn tỉnh về giảm ăn muối, dự phòng tăng huyết áp, đột quỵ, các bệnh tim mạch và bệnh truyền nhiễm, không lây nhiễm khác.
Tổ chức các Chương trình, chiến dịch truyền thông vào các ngày, sự kiện sức khỏe trong năm như: Ngày Ung thư thế giới, Ngày Sức khỏe thế giới, Ngày Phòng chống tăng huyết áp thế giới, Ngày Tim mạch thế giới, Ngày Đột quỵ thế giới, Tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển...
● Có quan niệm cho rằng, ăn mặn giúp cơ thể có nhiều năng lượng hơn, đúng - sai và hiểu như thế nào cho đúng trong vấn đề này, ở góc độ chuyên gia, ông có thể tư vấn?
- Thực ra, muối ăn rất quan trọng cho sự sống nhưng nó không mang năng lượng. Tuy muối quan trọng nhưng nếu ăn nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về huyết áp, đột quỵ và một số bệnh khác. Việc ăn nhiều muối chỉ là thói quen, lâu dần ăn nhiều thấy ngon miệng còn nhạt thì khó ăn, nhưng điều này có thể tập dần được. Dù hoàn toàn có thể tập được và được truyền thông rộng rãi về tác hại của việc ăn quá nhiều muối nhưng nhiều người vẫn không để ý cho đến khi mắc bệnh mới bắt đầu thay đổi.
Do vậy, chương trình có đưa ra giải pháp can thiệp giảm ăn muối, gồm: Can thiệp giảm ăn muối trong trường học; can thiệp giảm ăn muối cho người có nguy cơ cao và người bệnh; can thiệp giảm ăn muối tại hộ gia đình và cộng đồng; can thiệp giảm ăn muối tại các cơ sở dịch vụ ăn uống (nhà hàng, quán ăn và bếp ăn tập thể...); can thiệp giảm muối trong cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
Đồng thời, tại các buổi khám, sàng lọc các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhân viên y tế cũng lồng ghép tuyên truyền, vận động việc giảm muối trong bữa ăn.
● Các bệnh truyền nhiễm cũng rất nguy hiểm và dễ lan rộng, vậy việc truyền thông về vấn đề này thì sao, thưa ông?
- Về điều này sẽ tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet, truyền thông cơ sở, trong các buổi sinh hoạt nhà trường, cộng đồng dân cư, lồng ghép hoạt động của các tổ chức nhằm huy động toàn thể người dân, hộ gia đình tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tập trung vào các bệnh truyền nhiễm thường xuyên ghi nhận tại địa phương như Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng… và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác.
Cùng với đó, cán bộ y tế cơ sở phối hợp với các trường học, hội, đoàn thể, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền sâu rộng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sâu rộng trong cộng đồng, trong các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo, các cơ quan, xí nghiệp để mọi người hiểu và tự giác thực hiện. Truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm trong chương trình tiêm chủng mở rộng và các bệnh khác đã có vắc xin dự phòng...
● Xin cảm ơn ông!
Mục tiêu của Chương trình là nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của mỗi người dân, trong đó tập trung vào đối tượng thanh niên về tác hại của lạm dụng muối, đường trong khẩu phần ăn, các bệnh rối loạn chuyển hóa do dinh dưỡng và lười vận động; dự phòng một số bệnh truyền nhiễm cơ bản và bệnh không lây nhiễm cơ bản.
THẢO KHUY (Thực hiện)