Biến vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trở nên giàu có
Với tinh thần thẳng thắn, xây dựng, đề cao tính hiệu quả, Hội nghị công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị diễn ra ngày 5.2 tại TP Quy Nhơn đã ghi nhận nhiều đề xuất, kiến nghị, giải pháp phù hợp, sát thực tiễn và khả thi.
Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, địa phương, hiệp hội DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Dự hội nghị, về phía lãnh đạo tỉnh có các đồng chí: Hồ Quốc Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương.
Hướng đến khu vực phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển
Sau gần 20 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh, vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có nhiều thay đổi rõ rệt. Tuy nhiên, phát triển KT-XH của vùng còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ vẫn là vùng có chỉ số phát triển ở nhiều lĩnh vực thấp hơn mức trung bình cả nước. Tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là kinh tế biển chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, GRDP bình quân đầu người thấp. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự bền vững, chất lượng và năng lực cạnh tranh chưa cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm, chưa có đột phá.
Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương chứng kiến lễ công bố và trao biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác cho các đối tác tại Hội nghị. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW, với mục tiêu đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ trở thành vùng phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh về kinh tế biển… Tầm nhìn đến năm 2045, Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ là vùng phát triển nhanh và bền vững; có một số trung tâm công nghiệp, dịch vụ, hợp tác quốc tế lớn ngang tầm khu vực châu Á với các khu kinh tế ven biển hiện đại, hệ thống đô thị ven biển thông minh, bền vững, có bản sắc riêng, thân thiện với môi trường.
Bám sát quan điểm, mục tiêu, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 29.12.2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW, trong đó xác định rõ các nhiệm vụ chủ yếu, giải pháp cụ thể gắn với kế hoạch tổ chức theo lộ trình phù hợp nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.
Theo đó, Chính phủ đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, gồm: Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị; hoàn thiện thể chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển; phát triển mạnh hệ thống đô thị, nhất là hệ thống đô thị ven biển; đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng KT-XH vùng, nhất là hạ tầng giao thông; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên biển, đảo và rừng; bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện văn hóa - xã hội vùng; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân trong vùng.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn (hàng trước, giữa) trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư “Dự án Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT Software” cho Công ty CP FPT. Ảnh: LÊ CƯỜNG
Chương trình hành động của Chính phủ cũng đã đề ra 34 nhiệm vụ cụ thể và 11 dự án đầu tư hạ tầng giao thông kết nối và phân công cho các bộ, ngành triển khai thực hiện, có lộ trình thời gian cụ thể. Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển của vùng, nhất là về định hướng phát triển, mục tiêu cụ thể, giải pháp rõ ràng, nhiệm vụ cụ thể; gắn với một số chủ trương lớn về xây dựng cơ chế chính sách đặc thù sẽ là cơ sở và cơ hội cho vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2045.
Phải biến vùng đất này trở nên giàu có
Về mục tiêu phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Phải biến vùng đất này trở nên giàu có, giàu bản sắc văn hóa, có nhiều đột phá hơn nữa. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu quán triệt quan điểm điều hành, chỉ đạo phát triển theo hướng bám sát và tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo, từ đó có đối sách phù hợp, hiệu quả. Phải có tư duy, phương pháp luận và cách thức, phương pháp tiếp cận để giải quyết từng vấn đề, tháo gỡ những điểm nghẽn một cách phù hợp, hiệu quả. Phát huy tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại; lấy nội lực là cơ bản là chiến lược, lâu dài và quyết định, đi lên bằng bàn tay khối óc, mảnh đất của mình để giải quyết các đột phá mang tính chiến lược. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, gắn với truyền thống văn hóa, ý chí, khát vọng vươn lên của con người miền Trung. Huy động nguồn lực đa chiều, nhiều nguồn và sử dụng nguồn lực hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí. Lấy người dân, DN làm trung tâm, chủ thể…
“Phát huy tinh thần tự lực tự cường, không trông chờ ỷ lại; lấy nội lực là cơ bản là chiến lược, lâu dài và quyết định, đi lên bằng bàn tay khối óc, mảnh đất của mình để giải quyết các đột phá mang tính chiến lược...”. Thủ tướng Phạm minh chính
Thủ tướng Chính phủ giao cho bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai nhanh Chương trình hành động, cụ thể hóa Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị trên tinh thần tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện thể chế, thực hiện tốt công tác quy hoạch, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn chiến lược, phải chỉ ra được cơ hội phát triển, từ đó đề ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp phù hợp, hiệu quả. Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế biển, tập trung cho ba động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Cơ cấu lại ngành công nghiệp, quy hoạch hợp lý để phân bố không gian công nghiệp theo các hành lang kinh tế ven biển gắn với các cảng biển, hành lang kinh tế Đông - Tây, các quốc lộ kết nối với Tây Nguyên. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển văn hóa, giáo dục - đào tạo, trong đó chú trọng đến việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tập trung xây dựng chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức thực hiện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, đi đôi với phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh các đối tác, DN đã có mặt tại Hội nghị, thể hiện sự quan tâm, đồng hành cùng các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Điều này cũng cho thấy, tiềm năng, dư địa của vùng đất này còn rất lớn, đã và đang hấp dẫn các nhà đầu tư.
Thủ tướng tin tưởng, với tinh thần kiên cường, bất khuất, năng động sáng tạo, đoàn kết vượt qua khó khăn của các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân địa phương, cùng sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ với bộ, ban, ngành Trung ương, các đối tác, DN và nhân dân, vùng sẽ phát triển đột phá trong những năm tới, hội nhập sâu rộng, toàn diện với khu vực và quốc tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị, nhiều biên bản ghi nhớ, biên bản hợp tác, quyết định chủ trương đầu tư/giấy chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư được công bố. Nhằm góp phần hỗ trợ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ KH&ĐT cùng 7 đối tác phát triển bao gồm: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam, Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) tại Việt Nam, Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU), Biên bản hợp tác (MOC) và trao đổi Thư bày tỏ quan tâm tài trợ nhằm hợp tác cung cấp tài chính cho các dự án phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Cụ thể, các đối tác đã tài trợ cho khoảng 45 dự án phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với tổng quy mô vốn hơn 1,7 tỷ USD.
NHÓM PHÓNG VIÊN BÁO BÌNH ĐỊNH