Quan tâm giải quyết nhà ở cho công nhân
Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân, trong đó có nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp luôn được Ðảng và Nhà nước quan tâm, chỉ đạo và xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển KT-XH của đất nước.
Một dự án nhà ở xã hội tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: THIÊN VƯƠNG)
Cùng với tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhất là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp, đến nay công tác phát triển nhà ở xã hội đã đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với số lượng nhà ở công nhân hoàn thành khoảng 2,7 triệu m2 như hiện nay mới đáp ứng hơn 340 nghìn người lao động là chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Nguyên nhân dẫn đến việc chưa đạt mục tiêu như mong muốn là do cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện kịp thời, như: đối tượng tham gia, thụ hưởng, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, quản lý mua bán.
Việc thực hiện các chính sách ưu đãi nhà ở xã hội phải thực hiện qua nhiều bước cho nên thời gian thực hiện thủ tục đầu tư kéo dài, không gian sáng tạo, phát triển nhà ở xã hội còn chật hẹp so với yêu cầu; chưa tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý để phát triển nhà ở xã hội. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn, chưa sát thực tế.
Bên cạnh đó, ngân sách nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội; chưa có cơ chế huy động các nguồn lực hợp tác công tư một cách hiệu quả, hệ thống.
Nhiều địa phương, nhất là người đứng đầu, chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, nhất là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm và hằng năm…
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng. Vẫn còn nhiều khu trọ thiếu tiện ích, không bảo đảm an ninh, an toàn với giá thành thuê nhà khoảng 1,5 đến 4 triệu đồng/tháng, chiếm tới 25% đến 30% thu nhập của công nhân, người lao động… khiến cuộc sống sinh hoạt của họ càng eo hẹp, khó khăn hơn.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện có 60% số công nhân lao động đang phải thuê trọ tại các khu nhà trọ do người dân tự đầu tư xây dựng.
Tại Hội nghị đánh giá việc thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa qua, đại diện Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố dành nhiều thời gian thảo luận và đề xuất trực tiếp với người đứng đầu Chính phủ tháo gỡ các vấn đề đang đặt ra liên quan đời sống công nhân, người Lao động, trong đó có việc giải quyết nhà ở.
Các ý kiến cho rằng, nhà ở cho công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp là vấn đề đang còn nhiều bất cập cần tháo gỡ một cách đồng bộ, quyết liệt, sát sao hơn.
Ðáng chú ý, có ý kiến kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp công nhân lao động tiền thuê nhà ở, thông qua các hình thức: Hỗ trợ trực tiếp người lao động thuê nhà ở của các dự án nhà ở công nhân hoặc thông qua doanh nghiệp khi thuê lại các dự án nhà ở công nhân, cho công nhân ở theo nhu cầu; cần có quy định nếu doanh nghiệp không bố trí được nhà ở cho công nhân, phải hỗ trợ người lao động tiền thuê nhà, tối thiểu 500 nghìn đồng/tháng/người, được hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.
Tại hội nghị, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị Chính phủ 10 nhóm vấn đề lớn liên quan thể chế, chính sách có tác động lớn đến công nhân, lao động, trong đó, đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tạo điều kiện, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện Ðề án "Ðầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất"; coi chăm lo phúc lợi xã hội về nhà ở cho công nhân lao động là một yêu cầu cấp thiết cần được quy định thành chế định riêng trong luật để phù hợp, bắt kịp thực tiễn.
Bên cạnh huy động nguồn lực của các doanh nghiệp, Nhà nước cần bố trí thêm ngân sách để chăm lo về nhà ở, nhà trẻ, nơi vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao cho người lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất; có cơ chế cho phép doanh nghiệp đông công nhân, lao động được phép mua hoặc thuê mua đối với các dự án nhà ở để cho chính công nhân, lao động doanh nghiệp đó mua hoặc thuê mua.
Trước mắt, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, trình Chính phủ đề xuất với Quốc hội ban hành Nghị quyết về chính sách xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân ðể giải quyết kịp thời các bức xúc do các výớng mắc liên quan ðến chồng chéo, khoảng trống của pháp luật hiện nay.
Theo THANH HÀ (NDO)