An Nhơn: Nhiều sinh viên được vay vốn… nửa vời !
Gọi điện đến “đường dây nóng” Báo Bình Định, nhiều gia đình học sinh, sinh viên (HSSV) tại thị xã An Nhơn đã bức xúc về việc Ngân hàng Chính sách xã hội (NH CSXH) thị xã An Nhơn cho vay vốn theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg (gọi tắt là QĐ 157) theo kiểu “nửa vời”, làm gián đoạn việc học tập của HSSV có hoàn cảnh khó khăn.
Theo phản ánh của bà Đinh Thị Bích Ngọc (SN 1956, trú ở KV Kim Châu, phường Bình Định), gia đình bà thuộc diện hộ cận nghèo, có nuôi một đứa con bệnh tật. Năm 2008, anh Đinh Bác Ái (SN 1989, con trai của bà Ngọc) trúng tuyển vào ngành Mỹ thuật Công nghiệp, trường Đại học Văn Lang (TP Hồ Chí Minh). Để có tiền cho con ăn học, bà Ngọc làm các thủ tục vay vốn hỗ trợ HSSV theo QĐ 157. Trong 3 năm đầu, NH CSXH thị xã An Nhơn đều giải ngân đúng hạn, với mức vốn vay là 800 ngàn đồng/tháng/HSSV. Đến năm học cuối, gia đình bà Ngọc bị cắt khoản vay vốn tín dụng trên, khiến anh Ái phải bảo lưu kết quả học tập 1 năm (từ tháng 9.2011 - 9.2012) vì điều kiện gia đình khó khăn không thể thanh toán được các khoản tiền trong năm học. “Lẽ ra, Ái chỉ học 4 năm là ra trường nhưng vì gia đình không vay được vốn tín dụng để trả học phí nên thời gian học kéo dài hơn 5 năm”, bà Ngọc giãi bày.
Theo QĐ 157, đối tượng được vay vốn tín dụng là HSSV đang học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở đào tạo nghề hoạt động theo pháp luật nhưng có hoàn cảnh khó khăn như mồ côi cả cha lẫn mẹ, hoặc mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động; gia đình hộ nghèo hoặc có mức thu nhập bình quân đầu người bằng 150% của hộ nghèo; gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh và có xác nhận của chính quyền địa phương. Hiện nay, mức vốn vay là 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV với lãi suất ưu đãi là 0,6% (tính theo thời điểm hiện hành).
Hay như trường hợp của ông Phan Văn Tạo (trú ở KV Kim Châu, phường Bình Định), cũng “vô cớ” bị cắt nguồn vốn vay tín dụng nên một người con của ông - Phan Lê Thiên Lý, học ngành Ngữ Văn - Ngoại ngữ, trường Đại học Công nghiệp, TP Hồ Chí Minh - phải bỏ dở việc học hành để đi làm thêm kiếm tiền, nuôi em là Phan Lê Quỳnh hiện đang học tại Đại học Khoa học - Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Được biết, vợ ông Tạo đau yếu triền miên, mọi sinh hoạt trong gia đình đều nhờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của ông.
Phóng viên Báo Bình Định đã trao đổi với ông Phạm Văn Thi - Giám đốc NH CSXH thị xã An Nhơn, về việc vay vốn HSSV của những trường hợp nêu trên, thì có lúc ông Thi cho rằng việc giải ngân cho các đối tượng vay vốn theo QĐ 157 được ủy thác qua các tổ chức, hội đoàn thể tại thôn, khu vực để bầu xét hằng năm xem có đủ tiêu chuẩn được tiếp tục vay hay không; có lúc ông Thi lại nói việc cho vay vốn chỉ cần bình xét một lần vào thời điểm đi vay (?). Còn ông Nguyễn Thúc Diệu, Phó Giám đốc NH CSXH Bình Định, lại khẳng định: Chính sách tín dụng đối với HSSV được thực hiện xuyên suốt, đều đặn, không bị gián đoạn(?).
Vậy, việc không tiếp tục cho vay vốn HSSV đối với các trường hợp nêu trên là đúng hay sai? Thiết nghĩ, NH CSXH thị xã An Nhơn phải có câu trả lời rõ ràng, minh bạch.
PHÚC LỘC