PHÁT TRIỂN VÙNG NGUYÊN LIỆU RONG SỤN TẠI XÃ NHƠN HẢI:
Tạo sinh kế bền vững gắn với bảo vệ rạn san hô
Chiều 5.2, tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, đoàn công tác do ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở NN&PTNT và Tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản xã Nhơn Hải, bàn giải pháp phát triển vùng nguyên liệu rong sụn, tạo sinh kế bền vững gắn với quản lý, bảo vệ rạn san hô tại xã Nhơn Hải.
Tại buổi làm việc, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đánh giá rất cao nỗ lực, nhiệt huyết và hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực 12,8 ha vùng biển Hòn Khô nhỏ mà Tổ chức cộng đồng (TCCĐ) bảo vệ nguồn lợi thủy sản được giao. Mặc dù đã có một số chuyển biến tốt trong tạo sinh kế cho người dân nhưng theo ông Luân, vẫn cần có thêm nhiều giải pháp đồng thời để sinh kế thêm bền vững, tạo điều kiện để TCCĐ hoạt động, đảm bảo an sinh xã hội.
Từ mối quan tâm đó, Tổng cục trưởng Trần Đình Luân đã kết nối tỉnh Bình Định với Công ty DBLP - một DN chuyên nghiên cứu, phát triển giống, tổ chức vùng nguyên liệu và chế biến, cung ứng sản phẩm rong sụn cho thị trường - có trụ sở chính đặt tại tỉnh Phú Yên. Theo đó, cán bộ kỹ thuật của DBLP sẽ cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng rong sụn cho TCCĐ xã Nhơn Hải.
Ông Đỗ Linh Phương (người đứng) hướng dẫn kỹ thuật trồng rong sụn cho các thành viên TCCĐ Nhơn Hải. Ảnh: ÁI TRINH
Trong khi nhiều địa phương thiếu nơi để trồng rong sụn thì ở tỉnh Bình Định lại rất dồi dào. Hơn thế nữa, khi phát triển nghề trồng rong sụn, người dân còn có điều kiện để quản lý, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rạn san hô, vừa tạo sinh kế ổn định từ việc trồng và bán sản phẩm rong sụn, vừa có thể phát triển dịch vụ du lịch câu cá giải trí tại khu vực này. Đặc biệt, rong sụn và rạn san hô có quan hệ cộng sinh rất cao.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, Trưởng Ban đại diện TCCĐ xã, rất đồng tình với những gợi mở của ngành nông nghiệp, đặc biệt là sự quan tâm của lãnh đạo Tổng cục Thủy sản. “Hiện xã chúng tôi có 121 tàu thuyền đánh cá cỡ nhỏ, dài dưới 12 m, khai thác thủy sản vùng ven bờ, thu nhập bấp bênh. Được sự quan tâm của Nhà nước, gần đây việc tham gia bảo vệ rạn san hô gián tiếp giúp đời sống người dân trong vùng được cải thiện. Nếu phát triển nghề trồng rong sụn mang lại nhiều lợi ích như thế, tôi tin chắc bà con sẽ thêm hăng hái bảo về san hô và trồng rong!”, ông Nam bày tỏ.
Chia sẻ và trực tiếp hướng dẫn nhanh kỹ thuật trồng rong sụn cho TCCĐ xã Nhơn Hải, ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành và là người sáng lập Công ty DBLP, cho biết: DBLP là công ty duy nhất hiện đang sản xuất giống rong sụn nuôi cấy mô thành công tại Việt Nam. Khi rong còn nhỏ, cây mọc chậm dưới 0,2%/ngày. Khi đạt kích thước 2 cm trở lên, tốc độ tăng trưởng sinh khối sẽ đạt mức 0,3 - 0,7%/ngày. Và khi kích thước đạt mức 5 cm thì tốc độ sẽ 3 - 6 %/ngày. Khi thành bụi to trên 15 cm sẽ đạt đến mức 10% ngày, rong sẽ lớn nhanh như thổi. Do đó, người trồng cần kiên nhẫn, giai đoạn nhỏ cần chăm sóc tốt, quan trọng là cho ra biển sớm, không cần chờ biển lặng.
Để hỗ trợ ban đầu, DBLP tặng cho bà con địa phương 2.000 cây rong sụn giống Kappaphycus alvarezii để trồng thử nghiệm. Cùng với đó, cứ 2 tuần một lần cán bộ kỹ thuật của DBLP sẽ trực tiếp đến vùng trồng rong để theo dõi, hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật. Khi địa phương trồng phát triển thành công vùng nguyên liệu, DBLP sẽ cung cấp giống, hỗ trợ một phần chi phí đầu tư và cam kết mua toàn bộ sản phẩm.
Rong sụn giống Kappaphycus alvarezii được phát triển từ nuôi cấy mô. Ảnh: ÁITRINH
Theo chia sẻ của ông Phương, tại một số vùng trồng rong sụn trước đó, để mau chóng làm quen, người dân nên trồng thử trong 2 tuần, đến tháng 3 trồng dày thêm trên diện rộng. Khi trồng nhiều, rong phát triển thấy rõ, người trồng sẽ phấn chấn. Với kinh nghiệm hoạt động, sự vận hành bài bản, có tổ chức, ông Phương tin tưởng TCCĐ Nhơn Hải sẽ có tỷ lệ thành công đến 99%. Tại Phú Yên, khi trồng thử nghiệm 10.000 cây rong sụn Kappaphycus alvarezii chỉ từ tháng 3 đến tháng 9.2022 đã thu được tới 30 tấn rong; bình quân một hộ nuôi rong sụn có thể đạt mức lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm. Phát triển sinh kế từ rong sụn gắn với bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô kết hợp phục vụ du lịch sinh thái là hướng đi kết hợp có tính bền vững cho TCCĐ, đặc biệt rất thuận lợi, phù hợp với xã Nhơn Hải.
Sau khi nắm tình hình ở địa phương, qua trao đổi với lãnh đạo Sở NN&PTNT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết sẽ bàn nhiều hơn với tỉnh Bình Định về đề án chuyển đổi nghề đối với 121 tàu cá nhỏ, theo đó Tổng cục sẽ định hướng, hỗ trợ để các chủ tàu này tham gia vào TCCĐ hoặc HTX nuôi trồng thủy sản với định hướng phát triển phù hợp. Đồng thời sẽ can thiệp để khi mô hình ở Nhơn Hải thành công có thể sẽ nhân rộng cả ở 3 địa phương còn lại là các xã Nhơn Lý, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng - những địa phương cũng có sẵn TCCĐ quản lý bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô tại khu vực biển được giao.
* Trong khuôn khổ Dự án Vịnh Quy Nhơn do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF/SGP) tài trợ, Hiệp Hội Thủy sản Bình Định chủ trì, triển khai thực hiện từ năm 2019, có 4 TCCĐ/220 thành viên đã được UBND TP Quy Nhơn công nhận và giao quyền quản lý 46,134 ha mặt biển ở các xã Nhơn Lý, Nhơn Hải, Nhơn Châu và phường Ghềnh Ráng. Dự án Vịnh Quy Nhơn đã kết thúc những đây vẫn là trung gian kết nối thành công nhiều chương trình, dự án khác hỗ trợ hoạt động của TCCĐ ở TP Quy Nhơn.
* Rong sụn biển là thực phẩm phổ biến, nhờ những ưu điểm như nhiều dưỡng chất với hàm lượng cao, dồi dào vitamin. Đặc biệt rong sụn là nguyên liệu để chiết xuất carrageenan - một loại keo có giá trị sử dụng lớn trong ngành công nghiệp thực phẩm, mỹ phẩm, công nghiệp dệt, dược phẩm, công nghệ sinh học… Điểm đặc biệt là nhu cầu rong sụn biển trên thị trường phát triển nhanh và rất rộng. Do không có nhiều vùng biển có điều kiện trồng rong sụn, trong khi rong sụn trong môi trường tự nhiên ngày càng hiếm, nên trước nhu cầu tăng cao, hầu hết các nhà máy chế biến thực phẩm có sử dụng rong biển làm nguyên liệu, nguyên liệu thành phần thường xuyên bị thiếu rong, đặc biệt là rong sụn.
ÁI TRINH