Đêm thơ Nguyên Tiêu dạt dào cảm xúc
Chương trình nghệ thuật đêm Nguyên Tiêu diễn ra vào rằm tháng Giêng (tối 5.2), tại Di tích Tháp Đôi (TP Quy Nhơn) thu hút sự tham dự của khá đông công chúng yêu thơ. Chương trình đem đến cho giới mộ thơ một sự hình dung về dòng chảy của đời sống thơ ca mà Bình Định đã, đang và sẽ có.
Hội thơ Nguyên Tiêu Bình Định, trong đó có chương trình nghệ thuật đêm Nguyên Tiêu là hoạt động thường xuyên hằng năm, nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nên đã bị gián đoạn 3 năm qua. Năm nay Hội thơ Nguyên Tiêu Bình Định do Hội VHNT Bình Định phối hợp với Sở VH&TT tổ chức.
Nghệ sĩ Bạch Lan ngâm bài thơ Mùa xuân chín của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ảnh: TRỌNG LỢI
Nhà thơ Mai Văn Thìn, Chủ tịch Hội VHNT Bình Định, cho biết: “Hòa với không khí mừng Đảng, mừng xuân, mừng quê hương đạt được nhiều thành tựu mới trong xây dựng và phát triển KT-XH, Ban tổ chức Hội thơ Nguyên Tiêu Bình Định chọn chủ đề Nhịp điệu quê hương để giới thiệu đến công chúng và người mộ điệu thơ trong, ngoài tỉnh qua lăng kính thi ca. Nhịp điệu ấy là những bước chân bền bỉ, tiếp nối của các nhà thơ Bình Định từ thế hệ các tiền nhân cho đến hôm nay. Tất cả đã, đang góp phần thêu dệt bức tranh đa sắc màu và thật độc đáo, riêng biệt của thơ ca xứ Nẫu”.
Đúng 20 giờ, tiết mục múa lân và bài trống khai hội đã thôi thúc lòng người theo dõi chương trình nghệ thuật đêm Nguyên Tiêu. Sau khi NSƯT Kim Thành trình bày xong bài thơ Nguyên tiêu - bài thơ xuân, thơ trăng tuyệt hay của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình nghệ thuật tập trung giới thiệu đến công chúng những bài thơ về mùa xuân, hình tượng người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ và cuộc khởi nghĩa nông dân Tây Sơn, di sản văn hóa phi vật thể bài chòi, danh lam thắng cảnh ở xứ Dừa Hoài Nhơn, An Nhơn miền đất thi ca, và cả nỗi niềm của mẹ rời quê lên phố, mang trong lòng canh cánh nỗi nhớ quê hương… qua các bài thơ Mùa xuân chín (Hàn Mặc Tử), Ngày hội Tây Sơn (Lệ Thu), Bài chòi trên biển (Phạm Trọng Thanh), Trăng Thiện Chánh (Xuân Mai), Mẹ (Văn Trọng Hùng), Nhớ quê (thơ Mai Thìn, nhạc Nguyễn Đình San)…
NSƯT Minh Hoàng ngâm bài thơ Uống rượu Bàu Đá ở Đà Lạt của nhà thơ Nguyễn Thanh Xuân. Ảnh: TRỌNG LỢI
“Hầu hết những bài thơ được nghệ sĩ trình bày là những vần thơ phản ánh cốt cách và tâm hồn của người Bình Định, kết tụ từ nụ cười, nước mắt, đồng hành với bước chân của lịch sử và văn hóa của một vùng đất”, ông Nguyễn Phú, ở xã Phước Lộc (huyện Tuy Phước), một người yêu thơ thổ lộ. Rồi ông ngâm: “Anh đưa em về thăm quê Bình Định/ Những đêm trăng xem hát bội, bài chòi”. Đây là bài thơ Bình Định mến yêu (Hoàng Bảo Linh), với hình ảnh những tháp cổ trầm mặc với thời gian, những địa danh ghi dấu nhiều chiến công lịch sử, những thắng cảnh đẹp thu hút khách du lịch… được khắc họa sinh động, giàu cảm xúc.
Trong khuôn khổ Hội thơ Nguyên tiêu Bình Định năm 2023, Hội VHNT Bình Định còn trao giải cuộc thi sáng tác câu thai bài chòi, viết thư pháp. Kết quả, tác giả Phạm Hoàng Việt đạt giải nhất cuộc thi sáng tác câu thai bài chòi; tác giả Ngô Văn Thạch đạt giải nhất cuộc thi viết thư pháp.
Sự trân trọng với những cây bút trẻ là điều mọi người dễ đồng cảm ở chương trình nghệ thuật đêm thơ. Những vần thơ ngọt ngào dư vị quê hương của nhà thơ trẻ Trương Công Tưởng qua bài thơ Đêm ở Hoài Ân hay Nghe trong đồng đất nảy mầm của nhà thơ Vân Phi, khiến người ta thêm hy vọng trước mùa xuân.
Khẳng định về ý nghĩa của chương trình nghệ thuật đêm Nguyên Tiêu, nhà thơ Mai Văn Thìn bộc bạch: Từ lâu, quê hương Bình Định được mệnh danh là vùng đất trọng võ, tôn văn. Dù đất nước và quê hương trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, nhưng quê hương Bình Định luôn vun dưỡng nên nhiều thế hệ nhà thơ, nhiều gương mặt xuất sắc về văn học, nghệ thuật. Tất cả được tiếp nối và bồi đắp, tạo nên một dòng chảy văn hóa qua nhiều thế hệ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển vững mạnh, nhân văn và bền đẹp. Vì thế, chương trình lần này là hoạt động quan trọng để tôn vinh những giá trị thơ ca từ truyền thống đến hiện đại, một lần nữa khẳng định tư duy, bản sắc của một xứ thơ trong một đất nước thơ.
TRỌNG LỢI