Tích cực phòng trừ sâu bệnh cây trồng vụ Ðông Xuân
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, do diễn biến thất thường của thời tiết (mưa, lạnh kéo dài) tiến độ gieo trồng và tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng vụ Ðông Xuân 2022 - 2023 bị ảnh hưởng. Theo đó, phải tập trung chăm sóc, tích cực phòng trừ sâu bệnh trên cây trồng vụ sản xuất này.
Theo Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã gieo sạ được 45.890 ha lúa, đạt 97,5% so với kế hoạch và tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Diện tích chưa gieo sạ khoảng 1.223 ha, tập trung tại các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, Vĩnh Thạnh, TX An Nhơn. Về tình hình sinh trưởng, lúa chân ruộng cao đang giai đoạn làm đòng; chân ruộng 3 vụ/năm đang giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái; chân ruộng 2 vụ/năm đang giai đoạn 3 lá - đẻ nhánh rộ. Qua theo dõi và kiểm tra, một số ít diện tích lúa chân cao sạ cưỡng bị vàng lá, khô đầu lá do đợt không khí lạnh, các trà lúa hiện đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Cán bộ ngành nông nghiệp kiểm tra tình hình sinh trưởng và sâu hại của rau màu. Ảnh: THU DỊU
Về các loại cây trồng cạn, toàn tỉnh đã gieo trồng được 1.035 ha bắp, giảm 18,7% so với cùng kỳ; 4.296 ha đậu phụng, tăng 7,5% so với cùng kỳ; 2.692 ha rau các loại, tăng 7% so với cùng kỳ; 731 ha đậu các loại, giảm 24% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, năm nay tiến độ gieo trồng một số cây trồng cạn chậm so với kế hoạch, do cuối tháng 12.2022 và đầu tháng 1.2023, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to nhiều ngày, nông dân chưa thể xuống giống. Hiện nay, bà con vẫn đang tiếp tục làm đất, gieo trồng các cây trồng cạn trên diện tích còn lại. Tại một số diện tích lúa, cây trồng cạn xuống giống sớm đã có dấu hiệu xuất hiện một số loại sâu, bệnh hại, ngành chức năng sớm cảnh báo, khoanh vùng và dập dịch. Trước những ảnh hưởng xấu từ thời tiết, Sở NN&PTNT giao Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chủ động phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại, chăm sóc cây trồng hợp lý.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), từ đầu vụ đến nay, cán bộ của Chi cục tích cực xuống đồng, theo dõi từng địa bàn để nắm bắt tình hình sinh trưởng và sớm phát hiện sâu bệnh hại. Qua đó, Chi cục đã khoanh vùng được một số đối tượng gây hại như chuột, ốc bươu vàng trên cây lúa. Về bệnh hại phát sinh bệnh vàng lá sinh lý và rầy nâu… với diện tích nhỏ, cục bộ, tỷ lệ tác động thấp. Từ theo dõi kết quả thực tế, Chi cục hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời.
Theo ông Kiều Văn Cang, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, ngay từ đầu vụ, Chi cục đã dự báo về tình hình sinh trưởng và dịch bệnh hại, khuyến cáo tới từng địa phương; đồng thời, cán bộ phụ trách địa bàn của Chi cục phối hợp với các địa phương thường xuyên xuống đồng nắm tình hình, từ đó hướng dẫn bà con các giải pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, diễn biến thời tiết phức tạp, mưa lạnh kéo dài đầu vụ đến nay làm một số diện tích gieo trồng bị ảnh hưởng, sinh trưởng của cây có nhiều thay đổi. Do vậy, thời điểm này nông dân thường xuyên thăm đồng để theo dõi, bổ sung dinh dưỡng cho cây trồng hợp lý.
Theo Sở NN&PTNT, trong tháng 2 này, ngành tiếp tục phối hợp các địa phương kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn nông dân gieo trồng diện tích còn lại các cây trồng vụ Đông Xuân 2022 - 2023 đảm bảo đạt kế hoạch. Đặc biệt, với dự báo thời tiết có nhiều thay đổi (10 ngày tới, khu vực Bình Định nắng ấm và có thể sẽ còn 1 - 2 đợt mưa phùn, lạnh), Sở NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo về dịch bệnh trên cây trồng để chủ động phòng trừ; hướng dẫn nông dân phòng trừ sâu bệnh trên lúa, nhất là các đối tượng chuột, bệnh đạo ôn, vàng lá...; hướng dẫn chăm sóc lúa và cây trồng cạn, nhất là phòng, chống các đợt lạnh.
THU DỊU