An Hòa trồng đậu phụng xen canh dâu tằm đạt hiệu quả cao
Nhiều năm qua, nhờ áp dụng mô hình trồng đậu phụng xen canh trên diện tích đất trồng dâu tằm đạt hiệu quả cao, nhiều hộ gia đình ở xã An Hòa, huyện An Lão đã có thu nhập tốt.
Những ngày này, nông dân các thôn Trà Cong, Vạn Long, Vạn Khánh (xã An Hòa) tập trung chăm sóc cây đậu phụng trồng xen trên ruộng dâu tằm. Thực hiện mô hình xen canh trên đã được 4 năm, bà Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Vạn Khánh, cho biết: Sau khi trồng cây dâu được 1 tháng, sẽ xuống giống cây đậu phụng. Cây dâu thì 6 - 7 tháng sau mới thu hoạch, còn đậu phụng chỉ sau 3 tháng nên nếu không xen canh sẽ rất phí đất. Bình quân mỗi sào xen canh sẽ thu được 200 kg đậu phụng khô trị giá khoảng 15 triệu đồng. Hơn nữa, khi trồng đậu phụng phải cày đất kỹ, tạo điều kiện để cây dâu phát triển tốt, đỡ tốn công làm cỏ; một lượt phân bón được cho 2 loại cây.
Bà Nguyễn Thị Phượng, ở thôn Vạn Khánh, chăm sóc ruộng đậu phụng trồng xen canh dâu tằm. Ảnh: D.T.D
Những năm trước, trồng xen rải rác nhưng thấy hiệu quả kinh tế cao nên nông dân bắt đầu nhân rộng diện tích, từ vài hộ, vài ha đến nay xã có hơn 25 hộ với gần 20 ha đậu phụng trồng xen với dâu tằm đem lại nguồn thu nhập đáng kể, tăng từ 5 triệu đến 8 triệu đồng/ha.
Một số diện tích đất canh tác ở An Hòa không chủ động được nước tưới nên việc trồng xen canh là một cách để người dân chống hạn cho cây dâu, bởi cây đậu phụng giúp giữ độ ẩm và lượng đạm trong đất. Sau khi thu hoạch đậu xong, bà con lại tận dụng thân cây đậu làm phân bón cho cây dâu, cày vun gốc tạo độ tơi xốp và bổ sung phân hữu cơ cho cây dâu, giúp tăng năng suất cây trồng.
Bà Trần Thị Đông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hòa, cho biết: Hội vận động bà con trồng xen canh cây đậu phụng và cây dâu. Thực tế mô hình này cũng đã góp phần tăng thu nhập cho bà con. Việc trồng xen canh còn tăng độ tơi xốp, giữ ẩm cho đất.
DIỆP THỊ DIỆU