Giống đậu phụng năng suất cao LDH.09: Thích ứng thổ nhưỡng Bình Định, hiệu quả kinh tế cao
Chắc quả, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, phát triển tốt ở vùng nguyên liệu đậu phụng trên đất cát nhiễm mặn ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, đặc biệt là tỉnh Bình Định, đó là ưu điểm của giống đậu phụng LDH.09.
Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2022 vừa được Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam công bố, với tên gọi: “Khoa học công nghệ phục vụ sản xuất lạc (Arachis hypogaea L.) bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu tại Bình Định” của TS Hồ Huy Cường (Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp Duyên hải Nam Trung bộ - ASISOV); bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Chủ tịch Liên hiệp Hội KHKT Bình Định, đồng tác giả.
Mô hình trình diễn giống đậu phụng LDH.09 tại xã Cát Hải (huyện Phù Cát). Ảnh: HUY CƯỜNG
Về lý do nghiên cứu giải pháp này, TS Hồ Huy Cường cho biết: Cây lạc (đậu phụng) ở Bình Định chủ yếu gieo trồng trên chân đất phù sa, đất xám, đất xám bạc màu và đất cát thuộc địa hình đồng bằng giáp ranh với biển. Tuy nhiên, do áp lực của quá trình đô thị hóa và nguy cơ xâm nhiễm mặn do biến đổi khí hậu, diện tích đất canh tác đậu phụng nói riêng và đất sản xuất nông nghiệp ở Bình Định nói chung sẽ dần bị thu hẹp, diện tích bị mặn hóa ngày càng tăng lên. Do vậy, để từng bước khắc phục những hạn chế, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và mở rộng diện tích sản xuất đậu phụng trên đất nhiễm mặn ở các tỉnh ven biển (trong đó có Bình Định), việc nghiên cứu chọn tạo giống đậu phụng có khả năng chịu mặn, năng suất cao, kháng bệnh héo xanh và thích hợp với điều kiện sinh thái vùng ven biển tại Bình Định là cần thiết.
Để có giống đậu phụng LDH.09 chất lượng cao như hiện nay, nếu tính từ khâu khảo nghiệm đến sản xuất thử và được Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) chấp nhận công bố lưu hành giống, TS Hồ Huy Cường và cộng sự đã nghiên cứu ròng rã suốt 14 năm. TS Cường cho biết: “Giống đậu phụng LDH.09 là dòng số 37, tổ hợp lai số 9 của cặp lai giữa giống đậu phụng ICG20 với giống 9205H1. Đây là 2 giống đậu phụng có nguồn gốc từ ICRISAT (Ấn Độ) được Trung tâm Nghiên cứu và phát triển đậu đỗ nhập để làm vật liệu lai tạo. Công việc khảo nghiệm được thực hiện theo phương pháp lai đơn, đến năm 2012 được chọn dòng thuần và đặt tên là LDH.09”.
Kết quả chọn lọc, đánh giá, khảo nghiệm giống đậu phụng LDH.09 trên đất cát nhiễm mặn ven biển vùng duyên hải Nam Trung bộ nói chung và tỉnh Bình Định từ năm 2016 đến nay (hơn 400 ha/năm), cho thấy: Giống LDH.09 có khả năng chịu mặn tốt hơn so với các giống đậu phụng hiện đang sản xuất đạt trà (L14) và kháng trung bình bệnh héo xanh; năng suất bình quân đạt hơn 35 tạ/ha, cao hơn 27,1% so với giống L14, chắc quả (100 quả, 100 hạt lớn), đặc biệt phù hợp với thị hiếu ăn tươi.
Xã Cát Hải, huyện Phù Cát là xã có diện tích đậu phụng sử dụng giống LDH.09 nhiều nhất tỉnh, khoảng 400 ha/năm. Đề cập về tính hiệu quả, ông Võ Kế Hùng, công chức Địa chính - Xây dựng - Nông nghiệp xã Cát Hải (huyện Phù Cát), quả quyết: Trước đây chừng 3 năm, bà con chủ yếu sử dụng giống đậu phụng L14 và HL 25. Tuy nhiên, do canh tác nhiều năm, giống thoái hóa dần nên tỷ lệ cây nhiễm bệnh khá nhiều, dễ thua lỗ. Từ năm 2021 đến nay, bà con chuyển sang trồng giống LDH.09, năng suất đạt khoảng 35 tạ/ha, lãi khoảng 70 - 90 triệu đồng/ha. Riêng vụ Đông Xuân năm 2023, toàn xã trồng gần 170 ha giống đậu phụng LDH.09, chủ yếu bán cho thị trường trong tỉnh và TP Hồ Chí Minh.
Để mở rộng quy mô sản xuất và phát huy tiềm năng của giống đậu phụng LDH.09 trên đất cát ven biển tại Bình Định, TS Hồ Huy Cường cho hay: Thời gian đến, đơn vị tiếp tục xây dựng và chuyển giao mô hình sản xuất đậu phụng LDH.09 trên chân đất trồng lúa chuyển đổi gắn liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng đậu phụng tươi sang các địa phương khác trong tỉnh nhằm mang lại hiệu quả cao cho người sản xuất. Trước mắt, để nâng cao hiệu quả sản xuất đậu phụng trên đất mặn vùng duyên hải Nam Trung bộ nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng, đơn vị mong muốn các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương bổ sung giống đậu phụng LDH.09 vào cơ cấu bộ giống đậu phụng chịu mặn của địa phương. Đồng thời, cần có những chính sách hỗ trợ công tác tuyên truyền và xây dựng mô hình trình diễn để người dân dễ dàng tiếp cận, học hỏi và áp dụng mô hình sản xuất giống trên chân đất trồng lúa chuyển đổi gắn liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng đậu phụng tươi trên đất cát ven biển tại Bình Định.
TRỌNG LỢI