CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT TẠI HUYỆN VĨNH THẠNH:
Đa dạng, phong phú, hiệu quả thiết thực
Thời gian qua, huyện Vĩnh Thạnh chú trọng đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân địa phương, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng khó khăn. Qua đó, giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận pháp luật, góp phần nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật.
Theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Vĩnh Thạnh, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) là khâu đầu tiên trong hoạt động thực thi pháp luật; góp phần chuyển tải đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước tới cán bộ và nhân dân. Do đó, hằng năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn huyện tăng cường thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong công tác PBGDPL; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và người dân. Công tác tuyên truyền, PBGDPL được các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị tiến hành thường xuyên, liên tục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và Ban ATGT tỉnh tuyên truyền pháp luật về giao thông cho người dân xã Vĩnh Quang. Ảnh: UBND huyện Vĩnh Thạnh
Năm 2022, UBND các xã, thị trấn và các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn huyện tổ chức 222 cuộc tuyên truyền, PBGDPL cho gần 16.200 lượt người tham gia. Công tác tuyên truyền thực hiện bằng nhiều hình thức, như: Tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp ở làng, thôn, khu phố; biên soạn, cấp phát tài liệu tuyên truyền pháp luật; xây dựng, quản lý và khai thác tủ sách pháp luật; tư vấn pháp luật. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực dư luận xã hội quan tâm, như: Phòng, chống dịch Covid-19; phòng, chống tác hại của rượu bia; ATGT; lâm nghiệp; cải cách hành chính; bảo vệ môi trường…
Hiện toàn huyện Vĩnh Thạnh có 22 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 103 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, 59 tổ hòa giải ở cơ sở với 416 hòa giải viên. Năm 2022, các tổ hòa giải ở cơ sở tiếp nhận 131 vụ việc và tiến hành hòa giải thành 80 vụ việc, đạt tỷ lệ trên 61%.
Ngoài ra, thực hiện đề án “Tăng cường công tác PBGDPL tại một số địa bàn trọng điểm về vi phạm pháp luật” và “Tăng cường công tác PBGDPL nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên”, năm 2022, huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh (Sở Tư pháp) tổ chức 8 đợt tuyên truyền tại điểm làng thuộc các xã Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thuận, Vĩnh Hảo, thị trấn Vĩnh Thạnh. Tại các đợt tuyên truyền, báo cáo viên pháp luật truyền tải đến người dân một số nội dung cơ bản của Luật Đất đai; Luật Hộ tịch; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Bình đẳng giới…
Bên cạnh đó, các CLB như: Phụ nữ với pháp luật, Phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, Không sinh con thứ ba, Phụ nữ không phát rừng làm rẫy trái phép, Phòng, chống bạo lực gia đình, Tiền hôn nhân, Gia đình hạnh phúc… được các ngành, các địa phương duy trì hoạt động. Thông qua các đợt sinh hoạt thường kỳ đã tổ chức tuyên truyền, giải đáp pháp luật, góp phần không nhỏ vào việc đáp ứng nhu cầu tìm hiểu pháp luật của các tầng lớp nhân dân.
Ông Đinh Văn Như (ở xã Vĩnh Kim) cho hay: “Tham gia CLB Phòng, chống bạo lực gia đình, tôi được tiếp cận, tìm hiểu nhiều kiến thức pháp luật rất thiết thực, bổ ích. Nắm bắt được kiến thức pháp luật, tôi vừa áp dụng cho bản thân, vừa tuyên truyền, nhắc nhở người thân trong gia đình và bà con trong làng thực hiện đúng quy định, tránh vi phạm”.
CÔNG LUẬN