Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính
Trưa 9.2, lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Singapore đã diễn ra đơn giản nhưng trọng thị tại dinh Istana.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Trong không khí trang trọng, quân nhạc cử quốc thiều Việt Nam và Singapore. Hai Thủ tướng sau đó cùng duyệt đội danh dự và tiến vào bên trong dinh Istana.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long chủ trì lễ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: NHẬT BẮC
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long không hội đàm ngay với Thủ tướng Phạm Minh Chính mà nhường thời gian sau lễ đón cho Tổng thống Singapore Halimah Yacob hội kiến với nhà lãnh đạo Việt Nam.
Cuộc hội kiến kết thúc sau khoảng 30 phút và được tiếp nối bằng cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng và lễ trao đổi một số văn kiện giữa hai bên.
Đây là lần thứ hai Thủ tướng gặp trực tiếp Tổng thống Yacob. Đối với ông Lý Hiển Long, Thủ tướng chia sẻ đã bốn lần gặp nhà lãnh đạo Singapore tính từ tháng 4.2021 bên lề các hội nghị đa phương.
Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Thủ tướng gặp trực tiếp ông Lý Hiển Long tại Singapore trong khuôn khổ một chuyến thăm chính thức. Chuyến công du diễn ra ngay sau Tết Nguyên đán, ngay trong năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hai nước.
Singapore hiện là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại khu vực. Tổng kim ngạch thương mại năm 2022 đạt khoảng 9 tỉ USD, tăng 10,1% so với năm 2021.
Singapore cũng là nước đứng đầu trong ASEAN và đứng thứ 2/141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Đảo quốc sư tử có hơn 3.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt gần 70,4 tỉ USD.
Các khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) là biểu tượng cho hợp tác kinh tế giữa hai nước. Hiện có 12 khu VSIP tại chín tỉnh, thành ở Việt Nam với tỉ lệ lấp đầy hơn 83%. Các khu công nghiệp này thu hút được 17,6 tỉ USD vốn đầu tư, tạo gần 300.000 việc làm.
Trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai Chính phủ sẽ ký kết biên bản ghi nhớ về việc thiết lập quan hệ kinh tế số - kinh tế xanh giữa hai nước.
Theo giới chuyên gia, điều này sẽ đưa quan hệ song phương dần đến mức "cộng hưởng", tức là bổ sung và bổ trợ cho nhau một cách cân bằng, cùng nhau phát triển.
(Theo TTO)