Đoàn viên, người lao động bị giảm việc, mất việc sẽ được hỗ trợ
Ngày 16.1, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. LĐLĐ tỉnh vừa có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT để các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai.
Chia sẻ khó khăn cùng người lao động
Theo Tổng LĐLĐ Việt Nam, từ tháng 9.2022 đến nay, nhiều DN gặp khó khăn do bị cắt, giảm đơn hàng, dẫn đến một bộ phận không nhỏ đoàn viên công đoàn (ĐV), người lao động (NLĐ) bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc làm, thu nhập, đời sống của ĐV, NLĐ và gia đình họ.
Căn cứ Nghị quyết số 06/ NQ-ĐCT, ngày 16.1, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành Quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trên. ĐV, NLĐ được hỗ trợ phải làm việc theo hợp đồng tại DN có đóng kinh phí công đoàn trước 30.9.2022, đồng thời DN bị cắt, giảm đơn hàng trong thời gian từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023.
Ngày 8.2, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh gửi văn bản hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện các nội dung hỗ trợ cụ thể cho 3 nhóm đối tượng. Thứ nhất, ĐV, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, ngừng việc (từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023) do DN bị cắt, giảm đơn hàng, được hỗ trợ khi bị giảm thời gian làm việc hằng ngày hoặc giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ), hoặc bị ngừng việc theo khoản 3 Điều 99 Bộ luật Lao động từ 14 ngày trở lên; thu nhập của một tháng bất kỳ bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định tại Nghị định số 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. Hỗ trợ theo 2 mức (700 nghìn đồng/người và 1 triệu đồng/người) tùy theo đối tượng quy định cụ thể; chi trả một lần.
Thứ hai, thực hiện chi hỗ trợ cho ĐV, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023), khi có trong thời hạn của hợp đồng lao động từ 30 ngày liên tục trở lên (trừ trường hợp ĐV, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vì lý do cá nhân). Hỗ trợ theo 2 mức (1,4 triệu đồng/người và 2 triệu đồng/người) tùy theo đối tượng quy định cụ thể; chi trả một lần.
Thứ ba, thực hiện chi hỗ trợ cho ĐV, NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động (từ ngày 1.10.2022 đến hết ngày 31.3.2023) nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trừ một số trường hợp cụ thể quy định); hỗ trợ theo 2 mức (2,1 triệu đồng/người và 3 triệu đồng/người) tùy theo đối tượng quy định cụ thể; chi trả một lần. Nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ ĐV, NLĐ được chi từ nguồn tài chính của công đoàn cấp trên cơ sở.
Công nhân của nhiều DN ngành gỗ trên địa bàn tỉnh bị giảm việc, mất việc từ cuối năm 2022 đến nay, dự báo còn khó khăn trong thời gian tới.
- Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Wesbrook Việt Nam (Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn) đang sản xuất vào tháng 4.2022 (ảnh minh họa). Ảnh: Công đoàn Khu kinh tế tỉnh
Sẽ triển khai chặt chẽ, hỗ trợ đúng đối tượng
Theo Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng, về tổ chức thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-ĐC, LĐLĐ tỉnh giao Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động là đầu mối tham mưu, theo dõi, hướng dẫn, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Tổng LĐLĐ Việt Nam vào ngày 25 hằng tháng; Ban Tổ chức, Kiểm tra LĐLĐ tỉnh hướng dẫn ủy ban kiểm tra công đoàn các cấp giám sát, kiểm tra việc thực hiện hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh...
Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ tỉnh phối hợp người sử dụng lao động, căn cứ nội dung hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh để triển khai thực hiện đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng theo quy định của Nhà nước, Tổng Liên đoàn và LĐLĐ tỉnh.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: ĐV, NLĐ có nhu cầu hưởng hỗ trợ sẽ được hướng dẫn lập và gửi hồ sơ đến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hoặc LĐLĐ tỉnh nơi ĐV, NLĐ cư trú (thường trú hoặc tạm trú) hoặc nơi ĐV, NLĐ chấm dứt hợp đồng lao động. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31.3.2023. Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã đề nghị các cấp công đoàn khẩn trương triển khai thực hiện.
Công đoàn Khu kinh tế tỉnh có 135 công đoàn cơ sở trực thuộc, trong đó có nhiều DN chịu tác động khó khăn chung dẫn đến phải cắt, giảm lao động, giảm giờ làm… Do đó, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh đang tích cực triển khai thực hiện theo hướng dẫn của LĐLĐ tỉnh, để kịp thời có thêm sự hỗ trợ cho ĐV, NLĐ gặp khó khăn.
“ĐV, NLĐ để được hỗ trợ theo Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT phải đáp ứng theo các quy định về đối tượng, nguyên tắc. Do đó, để thực hiện đúng và sát thực tế, Công đoàn Khu kinh tế tỉnh đang đề nghị Ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động, Văn phòng LĐLĐ tỉnh có hướng dẫn cụ thể hơn về quy định đối tượng áp dụng “các DN có đóng kinh phí công đoàn trước ngày 30.9.2022” là đóng đầy đủ kinh phí công đoàn theo đúng thời gian quy định, nộp định kỳ hằng tháng hay chỉ là đã có đóng kinh phí công đoàn của năm 2022 để chúng tôi có căn cứ cụ thể triển khai”, bà Hà Thụy Phúc Trầm, Ủy viên Ban Thường vụ được giao phụ trách công tác tài chính của Công đoàn Khu kinh tế tỉnh, cho biết.
LĐLĐ TP Quy Nhơn hiện có 239 công đoàn trực thuộc, trong đó có 121 công đoàn DN hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, dịch vụ. Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Quy Nhơn Phạm Thị Thanh Tùng, đơn vị sẽ thông báo công đoàn cơ sở ở các DN bị cắt, giảm đơn hàng, rà soát và báo cáo lại số lượng ĐV, NLĐ bị giảm thời gian làm việc, mất việc báo cáo để LĐLĐ thành phố tổng hợp, xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ các đối tượng.
“Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-ĐCT tiếp tục thể hiện sự quan tâm, đồng hành của công đoàn trong chia sẻ khó khăn với ĐV, NLĐ qua sự hỗ trợ cụ thể. LĐLĐ thành phố sẽ nỗ lực triển khai kịp thời, đảm bảo đúng quy định”, bà Tùng cho biết.
HOÀI THU