Cần đảm bảo lợi ích hợp pháp của người dân
Gửi đơn tới Báo Bình Định, ông Mai Công Khanh (ở thôn Chánh Hóa, xã Cát Thành, huyện Phù Cát), trình bày: Năm 1994 và 1995, cha ông Khanh là ông Mai Hạo lần lượt được UBND huyện Phù Cát ban hành Quyết định số 293/QĐ-UB giao 0,4 ha đất (thửa đất số 1) và Quyết định số 695/QĐ-UB giao 1,54 ha đất (thửa đất số 2) ở thôn Chánh Thiện (xã Cát Thành) để trồng rừng theo dự án PAM - 4304; thời hạn sử dụng đất tại 2 quyết định đều là 30 năm (đến năm 2024 và 2025). Sau khi ông Hạo chết, ông Khanh là người quản lý, sử dụng 2 thửa đất này.
Cuối năm 2022, UBND tỉnh cho Công ty TNHH thương mại và xây dựng Khôi thuê đất tại thôn Chánh Thiện để khai thác cát tô; trong diện tích cho thuê có một phần đất thuộc thửa đất số 1 của ông Khanh. Tuy nhiên, khi lập danh sách các hộ có đất bị ảnh hưởng thì UBND xã Cát Thành không đề cập tới ông Khanh; người được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ cây trồng trên đất là ông Nguyễn Ân (ở xã Cát Thành).
Công trình trước kia DN xây dựng trong phạm vi đất của ông Khanh, hiện đã di chuyển đi nơi khác.Ảnh: Người dân cung cấp
Vào năm 2021, thửa đất số 2 của ông Khanh cũng bị ảnh hưởng một phần diện tích khi Nhà nước mở đường công vụ nối tỉnh lộ 639 cũ và tỉnh lộ 639 mới (đường ven biển) và cũng không được cấp thẩm quyền xem xét bồi thường, hỗ trợ.
Ông Khanh cho biết: “Khi tỉnh mở đường và cho DN thuê đất làm mỏ cát tô, 2 thửa đất của tôi đều bị ảnh hưởng một phần diện tích; nhưng UBND xã Cát Thành không hề thông báo cho tôi biết và cũng không đưa tên tôi vào danh sách xem xét bồi thường, hỗ trợ. Trái lại, ông Ân tự trồng cây trên diện tích đất huyện Phù Cát giao cho cha tôi thì được nhận tiền hỗ trợ. Ngoài ra, đất của tôi chưa được bồi thường, hỗ trợ nhưng DN đã xây dựng công trình trên đó”.
Liên quan việc này, ông Mai Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thành, lý giải: Từ năm 1993 đến 1995, thực hiện dự án PAM - 4304, UBND huyện Phù Cát ban hành quyết định giao đất cho khoảng 70 hộ dân tại xã Cát Thành để trồng rừng. Tuy nhiên, danh sách cụ thể từng hộ thì hiện xã không nắm được. Như trường hợp ông Hạo, khi ông Khanh đưa ra 2 quyết định giao đất của UBND huyện Phù Cát thì xã mới biết (?).
Ngoài ra, lúc giao đất cho các hộ, cấp thẩm quyền chỉ nêu giới cận Đông, Tây, Nam, Bắc chung chung chứ không xác định tọa độ cụ thể. Hiện nay, địa phương rất khó xác định ranh giới từng thửa đất. Khi UBND tỉnh mở đường công vụ và cho DN thuê đất làm mỏ cát tô, theo chủ trương chỉ xem xét hỗ trợ cây trồng và vật kiến trúc có trên đất (mồ mả, chuồng trại chăn nuôi làm từ năm 2014 trở về trước) chứ không tính toán bồi thường về đất.
Đối tượng được xem xét hỗ trợ là các cá nhân thực tế đang trồng cây hoặc có vật kiến trúc trên đất. Ông Khanh được giao đất nhưng không trồng cây, ông Ân mới là người trồng cây trên đất đó. Đây là lý do ông Khanh không được xem xét hỗ trợ cây trồng trên đất.
“Về mặt pháp lý, ông Khanh còn thời hạn sử dụng đối với 2 thửa đất được UBND huyện Phù Cát giao vào năm 1994 và 1995. Hiện ông Khanh có đơn khiếu nại nên Công ty TNHH thương mại và xây dựng Khôi đã tháo dỡ công trình xây dựng trên phần diện tích đất của ông Khanh và cũng không khai thác cát tô trong phạm vi đất này”, ông Bé cho hay.
Nếu sự việc đúng như lời lãnh đạo UBND xã Cát Thành, khi 2 thửa đất bị ảnh hưởng do cấp thẩm quyền mở đường và cho thuê đất, đáng ra chính quyền địa phương phải mời ông Khanh làm việc để thông báo cụ thể. Nhưng thực tế, ông Khanh chỉ biết sự việc khi một phần diện tích đất ông còn thời hạn sử dụng bị DN tác động vào (xây dựng công trình trên đất). Khi phát sinh khiếu nại thì DN mới di chuyển công trình ra khỏi phạm vi đất của ông Khanh.
UBND huyện Phù Cát và ngành chức năng có liên quan cần sớm kiểm tra, làm rõ việc này để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân.
VĂN LỰC