Nâng cấp sản phẩm OCOP
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đang là một trong những đòn bẩy thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển, góp phần đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh ở tỉnh ta đã chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm truyền thống làng nghề, quan tâm đầu tư, cải tiến, nâng cấp sản phẩm.
Sau 4 năm triển khai, nhiều sản phẩm của các DN, HTX, hộ sản xuất ở tỉnh ta được công nhận là sản phẩm OCOP, bước đầu đã tạo niềm tin trong lòng người tiêu dùng, khẳng định chỗ đứng trên thị trường.
Năm 2019, Công ty TNHH Sachi Nguyễn, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn, chuyên sản xuất bánh tráng các loại ra đời. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Sachi Nguyễn mạnh dạn đăng ký sản phẩm OCOP cho các loại sản phẩm của cơ sở và chỉ 1 năm sau đã được chứng nhận OCOP 4 sao. Từ đó, được người tiêu dùng ủng hộ nhiệt tình dòng sản phẩm bánh tráng mè - dừa - ruốc nướng sẵn; sản phẩm cũng đã có mặt trên kệ của hệ thống siêu thị Co.opMart. Không chỉ có bánh tráng, các sản phẩm sau đó của Sachi Nguyễn cũng được người tiêu dùng ủng hộ nhiệt tình.
Sản phẩm bánh tráng nướng Sachi Nguyễn có gia vị kèm theo đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: HẢI YẾN
Ông Nguyễn Hữu Vinh cho biết: Từ niềm tin yêu của khách hàng, chúng tôi mạnh dạn đưa ra nhiều sản phẩm mới như bún phở khô ăn liền ngũ vị, cốm, bánh đậu xanh… Cuối tháng 12.2022, sản phẩm bánh tráng nướng với các vị: Bò cay, gà cay, mực cay, tôm cay, rong biển, phô mai… được người tiêu dùng trong nước ủng hộ nhiệt tình, sản phẩm không đủ cung cấp cho các đại lý trong nước.
Sau khi đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, đến năm 2021, sản phẩm bún, phở khô Cô Phương (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát) được chứng nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao của tỉnh. Cuối năm 2022, cơ sở sản xuất bún, phở khô Cô Phương đầu tư thay đổi toàn bộ bao bì sản phẩm, thiết lập bộ nhận diện sản phẩm, logo mới để người tiêu dùng nhận biết dễ dàng hơn.
Sản phẩm bún, phở khô Cô Phương được thay đổi mẫu mã bao bì hấp dẫn hơn để người tiêu dùng dễ dàng nhận diện thương hiệu. Ảnh: HẢI YẾN
Bà Hà Thị Hương, chủ cơ sở bún khô Cô Phương chia sẻ: Được sự quan tâm tạo điều kiện của tỉnh và các ngành chức năng, sản phẩm của cơ sở đã được lựa chọn tham gia trưng bày tại nhiều hội chợ xúc tiến thương mại trong và ngoài khu vực. Nhờ vậy, nhiều người biết đến, lượng sản phẩm tiêu thụ ngày càng tăng, ổn định.
Ðược công nhận sản phẩm OCOP là vấn đề khó, do đó để tồn tại và phát triển bền vững là do chủ thể của sản phẩm có tận dụng tốt các cơ hội để quảng bá sản phẩm hay không. Các DN đạt sản phẩm OCOP cần phải thay đổi tư duy để tiếp cận thị trường. Ông Hoàng Xuân Mai, chủ cơ sở sản xuất nem chả Ngọc Nga, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, cho biết: Sau khi đạt chứng nhận OCOP, cơ sở liên tục tạo ra sản phẩm mới theo nhu cầu, thị hiếu của người dân. Ban đầu, cơ sở sản xuất nem, chả lụa, chả bò và phát triển thêm chả ngũ sắc, chả trái tim cho các khách hàng chuyên nấu ăn phục vụ đám cưới, tiệc hoặc chân giò bó, chả da bò, chả ớt hiểm…Việc đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng chưa đủ để cơ sở phát triển mở rộng kênh tiêu thụ. Chúng tôi đang cố gắng tìm cách mở rộng kênh phân phối hơn trong năm 2023.
Điểm đáng chú ý là nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của tỉnh Bình Định đã thay đổi, cải tiến mẫu mã bao bì, thiết kế bộ nhận diện sản phẩm mới như: Nước mắm Thái An - Đề Gi, bún phở khô Thảo Nguyên, dầu phụng Công Chính, gạo hữu cơ Ân Tín… Điều này khiến hình ảnh của sản phẩm OCOP Bình Định trên thị trường tươi mới và tăng thêm sức thu hút với người tiêu dùng.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 133 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh với 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao, 15 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 122 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Sản phẩm OCOP sau khi được chứng nhận đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, đủ điều kiện vào các siêu thị, hệ thống phân phối hiện đại; giá bán sản phẩm cao hơn so với trước bình quân từ 15 - 20%, qua đó các chủ thể quan tâm đầu tư tăng quy mô sản xuất theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả kinh tế, nhất là các sản phẩm đã có thương hiệu. Trong các chương trình hỗ trợ xúc tiến thương mại, sở đẩy mạnh việc triển khai, nâng tầm sản phẩm, ứng dụng kinh tế số trong kênh xúc tiến thương mại cho đầu ra sản phẩm; hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất về sản phẩm OCOP để sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, chất lượng sản phẩm tốt...
HẢI YẾN