Nâng tầm Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn: Chung sức và đồng lòng
Sau khi Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước) được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, Sở VH&TT và UBND huyện Tuy Phước phối hợp với ngành du lịch của tỉnh lên kế hoạch triển khai công tác bảo tồn, phát huy vốn quý này, tạo điều kiện thúc đẩy cả hai lĩnh vực văn hóa và du lịch cùng phát triển.
Ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VH&TT, cho biết: Với gần 4 thế kỷ tính từ thời điểm ra đời, đến nay Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là một trong những lễ hội dân gian truyền thống lâu đời, có quy mô lớn ở tỉnh Bình Định. Hằng năm, Lễ hội diễn ra trong ba ngày. Cụ thể, vào ngày cuối tháng Giêng (có thể ngày 29 hay 30, tùy tháng) và từ ngày 1 - 2.2 âm lịch. Thời gian tổ chức lễ hội kéo dài sang ngày 3 - 4.2 âm lịch tại di tích Chùa Bà. Các hoạt động trong lễ hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, yêu quê hương đất nước. Với giá trị văn hóa lịch sử to lớn ấy, Sở VH&TT đã tổ chức đoàn công tác đi khảo sát hiện trạng khu di tích để có hướng nâng tầm. Trước mắt, ngành văn hóa và chính quyền địa phương đã thống nhất tham mưu, đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, mở rộng tuyến đường chính dẫn về di tích Chùa Bà. Hiện nay, công tác lập hồ sơ thủ tục dự án đang được các đơn vị gấp rút triển khai, tạo điều kiện để khai thác, phát triển du lịch… Về lâu dài, Sở cùng Cục Di sản Văn hóa, UBND huyện Tuy Phước xúc tiến lập quy hoạch mở rộng khuôn viên Chùa Bà để tạo điều kiện mở rộng không gian tổ chức Lễ hội.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn. Ảnh: XUÂN THỨC
Xác định di tích Chùa Bà và lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn là điểm đến, sự kiện văn hóa quan trọng có sức tác động lớn đến ngành du lịch của tỉnh, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch, chia sẻ: Trước khi Lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, ngành du lịch đã chuẩn bị tư liệu để mau chóng tăng cường quảng bá, thông tin về Lễ hội đến công chúng. Nhờ thế, ngay khi Lễ hội được công nhận là Di sản, chúng tôi đã sớm tiến hành làm việc với các DN lữ hành và các cơ sở lưu trú trong tỉnh để giới thiệu, xây dựng các tour du lịch tham quan, khám phá, tìm hiểu về giá trị di tích, lễ hội. Không dừng lại đó, tới đây chúng tôi sẽ làm việc với ngành du lịch các tỉnh, thành trong nước tổ chức liên kết, hình thành thêm những tour trải nghiệm du lịch thông qua sản phẩm lễ hội mới này.
Toàn huyện Tuy Phước hiện có 17 di tích lịch sử được xếp hạng và công nhận (gồm 4 di tích cấp quốc gia và 13 di tích cấp tỉnh). Thời gian qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở, ngành, nhiều di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn được trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hùng Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, việc đầu tư để tạo sức hút hướng tới vừa bảo tồn, bảo tàng vừa phục vụ phát triển du lịch còn đơn giản. Hiện nay, chính quyền địa phương đang phối hợp với Sở VH&TT, Sở Du lịch nghiên cứu xây dựng thêm tour du lịch mới trên chuỗi điểm đến: Chùa Bà - Nước Mặn - Nơi phôi thai chữ quốc ngữ - Tiểu chủng viện Làng Sông…
“Chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm những cách làm, giải pháp bài bản để làm sao thu hút được du khách về, để họ trải nghiệm; đồng thời để người dân sống trong vùng di tích tìm thấy lợi ích của mình trong đó. Từ đó, nhận thức của bà con sẽ đầy đủ hơn về giá trị di sản, tích cực tham gia bảo vệ di sản hơn. Từ đó, tập hợp sức mạnh cộng đồng cùng bảo vệ tính đa dạng của di sản. Mặt khác, cộng đồng dân cư sẽ là chủ thể của di sản khi nắm giữ, thực hành, truyền dạy, khai thác các giá trị văn hóa, gắn chặt với quá trình phát triển KT-XH ở địa phương”, ông Tân chia sẻ về phương pháp để bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nâng cao chất lượng hoạt động lễ hội, để thu hút khách du lịch về di tích Chùa Bà.
TRỌNG LỢI