Quyết tâm thu ngân sách năm 2023 vượt dự toán
Năm 2023, ngành thuế được giao thu thêm - so với dự toán ngân sách đã được Bộ Tài chính giao - 2.000 tỷ đồng ở nguồn thu nội địa. Phần tăng thêm này nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Nguyễn Đẩu, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh xung quanh việc thực hiện nhiệm vụ này.
Ông NGUYỄN ĐẨU
* Để có thu, Nhà nước luôn hỗ trợ người dân và cộng đồng DN khắc phục khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nguồn thu bền vững. Năm nay, công tác này sẽ được ngành Thuế tỉnh triển khai như thế nào, thưa ông?
- Năm 2023, có nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước tiếp tục được ngành thuế triển khai, trong đó có chính sách giảm tiền thuế bảo vệ môi trường đối xăng dầu và nhiên liệu bay; giảm tiền thuê đất, mặt nước và nhiều chính sách hỗ trợ khác, với riêng tỉnh ta tính toán sơ bộ đây đã là một số tiền rất lớn. Cục Thuế đã chủ động rà soát, phân loại từng đối tượng thụ hưởng ngay khi có dự thảo các chính sách hỗ trợ để sớm tuyên truyền đến các DN, hộ kinh doanh biết, giúp người nộp thuế (NNT) chủ động áp dụng. Bên cạnh đó, tăng cường gửi thư ngỏ, tư vấn, hướng dẫn NNT thực hiện quy trình, thủ tục nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của NNT khi các chính sách có hiệu lực thi hành. Cục Thuế tỉnh cũng tích cực hỗ trợ dòng tiền cho các DN xuất khẩu, đầu tư thông qua công tác giải quyết hoàn thuế nhanh chóng, đúng quy định.
* Tại Hội nghị tổng kết công tác thuế năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh “UBND tỉnh đưa ra số thu khá cao, nhưng nếu chúng ta tập trung, biết cách làm, quyết tâm cao thì sẽ đạt được”. Vậy, ngành Thuế tỉnh có những giải pháp nào nhằm đảm bảo mục tiêu thu ngân sách năm 2023?
- Cục Thuế tỉnh chủ động rà soát lại tất cả nguồn thu, sắc thuế, tính toán dư địa phát sinh trên các lĩnh vực, đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác quản lý, thu thuế ngay từ đầu năm 2023. Toàn ngành sẽ tập trung thực hiện 8 nhóm giải pháp, trong đó chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số, lấy nền tảng hóa đơn điện tử làm trung tâm phát triển các ứng dụng phục vụ hiệu quả công tác giám sát hồ sơ khai thuế, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, ngăn chặn tối đa tình trạng gian lận, trốn thuế. Tích hợp hệ sinh thái ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng và vận hành mô hình “Quản lý tuân thủ”; thúc đẩy mô hình “Quản lý mở - công khai toàn bộ”, làm giàu thêm giá trị của hệ sinh thái công nghệ thông tin của ngành thuế, góp phần tạo lập môi trường quản lý thuế minh bạch, văn minh, hiện đại mà ở đó, ý thức tự giác chấp hành pháp luật thuế của NNT ngày một nâng cao… Kể ra hết vào lúc này thật khó nói hết, nhưng bạn có thể hình dung khi đưa ra chỉ đạo như thế, UBND tỉnh đã tính toán khoa học, chính xác và sẽ hỗ trợ công tác thu rất nhiều.
Công chức Cục Thuế tỉnh giám sát hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế. Ảnh: TIẾN SỸ
* Việc xác định và khai thác nguồn thu từ các ngành, lĩnh vực còn dư địa lớn nhằm đảm bảo công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế có ý nghĩa rất quan trọng. Ngành thuế tính toán thực hiện công tác này như thế nào, thưa ông?
- Cục Thuế tỉnh xác định cần tăng cường khai thác nguồn thu từ các ngành, lĩnh vực còn có dư địa lớn, dự kiến tăng trưởng trong năm 2023, như: Du lịch; xây dựng; khai thác khoáng sản; kinh doanh số, thương mại điện tử... Theo đó, trên cơ sở dữ liệu của hoá đơn điện tử, dữ liệu khai thuế, thông tin quản lý nhà nước về số lượt khách đăng ký lưu trú, tham quan du lịch và khảo sát, kiểm tra thực tế tại địa điểm kinh doanh của người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh phân tích, so sánh mức độ phù hợp của việc khai thuế giữa các cơ sở kinh doanh với nhau, giữa doanh số kê khai với quy mô kinh doanh, dữ liệu hoá đơn đầu vào, cơ sở dữ liệu quản lý nhà nước. Từ đó, kêu gọi, cảnh báo, đối thoại, công khai trên cổng giao tiếp điện tử của ngành thuế và thanh tra, kiểm tra, đảm bảo việc kê khai, nộp thuế sát với thực tế.
Trên lĩnh vực xây dựng, thông qua các chủ đầu tư, dòng vốn ngân sách (trường hợp công trình, dự án sử dụng vốn ngân sách) và thông tin trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, Cục Thuế tỉnh thu thập căn cứ để quản lý thu đối với các nhà thầu thi công, đảm bảo bám sát tiến độ thực hiện các công trình, dự án xây dựng trên địa bàn.
Đối với hoạt động khai thác khoáng sản, đầu năm 2023, Cục Thuế sẽ đưa vào vận hành bản đồ số mỏ khoáng sản, công khai tất cả thông tin quản lý nhà nước của các mỏ khoáng sản trên địa bàn. Bằng cách này, công tác quản lý và thu thuế sẽ tốt hơn so với trước, đồng thời giúp các cấp, các ngành và người dân có thể giám sát, chỉ ra sự bất hợp lý giữa số liệu khai thuế so với số liệu báo cáo tài nguyên khoáng sản, quy mô, trữ lượng, công suất khai thác mỏ và tình hình khai thác thực tế tại điểm mỏ.
Đối với hoạt động kinh doanh số, thương mại điện tử, chúng tôi tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý, thu thuế theo các loại hình hoạt động đã phân loại, tập trung quản lý toàn bộ các thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên lĩnh vực này. Cùng với đó, thường xuyên đôn đốc các chủ sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin định danh và doanh thu bán hàng của các thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn để quản lý; phối hợp với các tổ chức chuyển phát nhanh và các ngân hàng thương mại thu thập thông tin hoạt động kinh doanh, sao kê giao dịch ngân hàng để quản lý, thu thuế, kiên quyết xử lý các đối tượng không tuân thủ Luật Quản lý Thuế. Cục Thuế tỉnh cũng sẽ tăng cường các giải pháp quản lý, thu thuế đối với các dự án hết thời gian ưu đãi, khấu trừ thuế và các dự án mới đi vào hoạt động.
* Xin cảm ơn ông!
PHẠM TIẾN SỸ (Thực hiện)