Quyết liệt hành động gỡ “thẻ vàng” trong khai thác hải sản
Đợt thanh tra lần thứ 3 của Ủy ban châu Âu (EC) vào cuối tháng 10.2022 đã ghi nhận những cố gắng của ngành thủy sản Việt Nam trong khắc phục thẻ vàng về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Tàu cá neo đậu tại Cảng cá La Gi, Bình Thuận. (Ảnh: Đình Châu)
Kết quả thanh tra đánh giá cao tinh thần hợp tác, minh bạch các thông tin của Việt Nam. Khung pháp lý của Việt Nam đáp ứng đủ các chuẩn quốc tế. Ở cấp độ địa phương, lần thanh tra này là tỉnh Khánh Hòa cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ với EC.
Tuy vậy, đoàn thanh tra cũng chỉ ra những hạn chế, thiếu sót của Việt Nam khi nhận định rằng, có sự khác biệt khá rõ ràng giữa các địa phương trong kiểm soát IUU. Đoàn thanh tra đã đưa ra các khuyến nghị để Việt Nam khắc phục, đồng thời phải gửi báo cáo tiến độ giải quyết vào ngày 15.5.2023 trước khi triển khai đợt thanh tra lần thứ 4. EC cũng thông báo rằng, cách tiếp cận trong đợt thanh tra tới là sẽ không thông báo cho các địa phương khi đoàn sang làm việc và khẳng định, chỉ gỡ “thẻ vàng” khi không có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo dự kiến, khoảng đầu tháng 6.2023, đoàn thanh tra EC sẽ tiếp tục đến Việt Nam kiểm tra lần thứ 4. Lần kiểm tra tiếp theo có tính chất rất quan trọng trong việc gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam. Do đó, ngay từ lúc này, các bộ, ngành, lực lượng liên quan cũng như các địa phương cần phải quyết liệt triển khai các giải pháp đề ra để đạt được những kết quả thuận lợi nhất.
Ngay sau khi kết thúc đợt kiểm tra lần thứ 3 của EC, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xác định một số nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, đề nghị các địa phương khẩn trương thành lập lực lượng kiểm ngư, đây là lực lượng rất quan trọng trong việc thực thi các nhiệm vụ phòng, chống IUU. Lãnh đạo các địa phương cũng cần bố trí đủ nguồn lực về con người, tài chính, trang thiết bị để các lực lượng có liên quan thực hiện nhiệm vụ.
Một nhiệm vụ quan trọng nữa là phải quản lý chặt chẽ đội tàu cá. Các địa phương phải thống kê, phân loại các tàu cá hiện có của mình. Khi phân loại những tàu đăng ký chưa đủ hồ sơ thì báo cáo để tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có cơ chế hướng dẫn, bảo đảm tất cả các tàu đã đi hoạt động phải được đăng ký, cấp phép, đánh dấu theo quy định và 100% phải được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS). Những tàu nằm trong “danh sách đen”, nguy cơ cao đi khai thác vượt ranh giới thì Nhà nước sẽ bỏ kinh phí ra để lắp đặt VMS nhằm theo dõi.
Đến ngày 15.5.2023, tất cả các địa phương phải hoàn thành công tác này.
Đối với việc lắp đặt hệ thống VMS, các địa phương phải xác minh và xử lý tất cả các tàu cá không duy trì hệ thống VMS, xử lý, cập nhật lên cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Những tàu cá bị nước ngoài bắt giữ phải điều tra, xử lý theo đúng quy định của pháp luật và thông tin mạnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Về vấn đề truy xuất nguồn gốc, cần phải bảo đảm tất cả các lô hàng xuất khẩu đi EC và một số thị trường khác có yêu cầu về nguồn gốc phải lập hồ sơ xác nhận, chứng nhận để bảo đảm đúng quy định. Những sản phẩm đã xuất khẩu từ Việt Nam bằng nguyên liệu nhập khẩu hay bằng nguyên liệu khai thác trong nước đều phải có nguồn gốc rõ ràng.
Sau ba lần thanh tra, Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng trong khắc phục IUU, tuy vậy chúng ta vẫn cần nỗ lực hơn, quyết tâm hơn trong 180 ngày tới để có cơ sở gỡ dứt điểm “thẻ vàng” trong khai thác hải sản.
Theo TÂM THỜI (NDO)