ChatGPT: Thách thức và cơ hội cho đổi mới, phát triển giáo dục
Lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục cho rằng sự ra đời của ChatGPT tạo ra thách thức nhưng đồng thời cũng là cơ hội thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của giáo dục, đặc biệt là trong kiểm tra, đánh giá.
Ảnh minh họa: TTXVN
Trước nhiều ý kiến lo ngại sự tác động của ChatGPT đến giáo dục, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng việc ra đời những sản phẩm trí tuệ nhân tạo như ChatGPT là xu hướng không thể đảo ngược. Đây là một thách thức nhưng cũng là cơ hội thúc đẩy sự phát triển cho ngành giáo dục.
“Người thầy” trong... “túi”
Đánh giá ChatGPT là một tín hiệu tích cực, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay ChatGPT có thể tự lọc lượng lớn thông tin về một vấn đề và tổng hợp ngắn gọn chỉ sau một phím enter - điều mà con người khó có thể làm được. Theo đó, ứng dụng này là công cụ hữu ích cho học sinh, sinh viên có thể tìm hiểu, tham khảo thông tin, tài liệu phục vụ cho việc học.
Đây cũng là quan điểm của Tiến sỹ Đàm Quang Minh, Tổng Giám đốc Khối phổ thông của Tổ chức Giáo dục EQuest. Theo Tiến sỹ Đàm Quang Minh, với sự ra đời của ChatGPT, những câu hỏi kiểm tra kiến thức đơn thuần sẽ có thể được trả lời một cách dễ dàng. Như một “ông thầy” ngay trong “túi”, ChatGPT có thể hỗ trợ giáo viên trả lời rất nhiều câu hỏi cho người học và vì thế, thời gian giảng dạy của giáo viên có thể được giảm bớt đi, hiệu quả giáo dục tăng lên. ChatGPT cũng có thể giúp người học rút ngắn thời gian làm luận văn, luận án khi có thể giảm bớt thời gian cho khâu tổng hợp tài liệu, từ đó giảm thời gian đào tạo.
Trên thực tế, điều này đã được kiểm chứng ngay tại Hệ thống đào tạo lập trình trực tuyến Funix khi đơn vị này đã mua gói dịch vụ cao cấp của ChatGPT phục vụ đào tạo cho hơn 5.000 học viên trong toàn hệ thống trong hơn một tháng qua.
Chia sẻ với phóng viên, bà Lê Minh Đức, CEO của Funix cho hay nguyên lý đào tạo của Funix là dựa trên hỏi đáp, học tập chủ động. Người học chủ động học và vướng ở đâu sẽ hỏi người hướng dẫn. Vì thế, ChatGPT thực sự là công cụ hỗ trợ rất tốt cho quá trình đào tạo tại Funix khi người học có thể chủ động hỏi ChatGPT để tìm hiểu các thông tin mà mình bị vướng trước khi hỏi người hướng dẫn.
“Ban đầu, có ý kiến lo ngại ChatGPT sẽ thay thế vai trò của giáo viên nhưng trên thực tế, khi người học có kiến thức nền tảng nhiều hơn họ lại có nhiều thắc mắc hơn và cũng tự tin hơn để đặt câu hỏi. Vì thế, họ hỏi người hướng dẫn nhiều hơn với các câu hỏi sâu hơn. Người hướng dẫn phải giải đáp nhiều hơn và chất lượng đào tạo cũng cao hơn”, bà Đức chia sẻ.
Em Trần Bá Liên cho hay đã sử dụng ChatGPT trong học tập trong hơn một tháng qua. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Là sinh viên trực tiếp trải nghiệm ứng dụng ChatGPT phục vụ học tập, em Trần Bá Liên, học viên của Funix cho hay các câu trả lời của ChatGPT đáp ứng rất tốt yêu cầu. “Lúc đầu em cũng có tâm lý ỷ lại vào ChatGPT nhưng sau một thời gian, em nhận ra nó chỉ là công cụ hỗ trợ và đôi khi thông tin ChatGPT đưa cho mình chưa chính xác nên phải tìm hiểu, kiểm tra lại. Với các thông tin sâu hơn em vẫn phải hỏi người hướng dẫn”, Liên nói. Cũng theo bạn học sinh này, để có câu trả lời tốt từ ChatGPT, người hỏi cũng phải có kỹ năng đặt câu hỏi chính xác.
Thách thức cho kiểm tra, đánh giá
Trước những lo ngại về nguy cơ lạm dụng ChatGPT trong kiểm tra đánh giá, bà Đức cho hay điều này không phải là trở ngại với Funix khi đơn vị này thi theo hình thức vấn đáp 1-1. “Có thể với các cơ sở giáo dục có hình thức kiểm tra đánh giá khác sẽ có lo ngại. Tuy nhiên, tôi hy vọng các trường sẽ có thay đổi phù hợp vì chúng ta không thể đi ngược xu hướng và phải đón nhận nó”, bà Đức nói.
Là người phụ trách công tác đào tạo ở cơ sở giáo dục lớn với nhiều lĩnh vực, Giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội thừa nhận ChatGPT đặt ra thách thức trong kiểm tra, đánh giá cho ngành giáo dục, đặc biệt là với lĩnh vực khoa học xã hội khi ChatGPT có thể trả lời khá đầy đủ các bài luận.
“Phương pháp kiểm tra cá thể hóa với các yêu cầu phân tích sâu theo quan điểm cá nhân có thể là giải pháp cho vấn đề này. Bên cạnh đó, việc kiểm tra cần phải là hoạt động thường xuyên, đánh giá cả quá trình chứ không chỉ dựa trên điểm số của một kỳ thi”, Giáo sư Nguyễn Đình Đức nói.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Đình Đức, để thực hiện điều này, người thầy sẽ phải rất công phu, tâm huyết, sâu sát với người học đồng thời không ngừng nâng cao trình độ. Thách thức này càng lớn hơn với giáo dục đại học, nơi có số lượng sinh viên lớn.
Đây cũng là chia sẻ của thầy Daniel Ruelle, Giám đốc Chương trình Tiếng Anh và Giao tiếp, Trường Đại học VinUni. Theo thầy Daniel Ruelle, thách thức lớn nhất là làm thế nào để kiểm tra, đánh giá được sinh viên vì nếu kiểm tra các bài luận thông thường thì ChatGPT hoàn toàn có thể làm được. “Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các nhà giáo dục ngồi lại với nhau để tìm ra cách kiểm tra kiến thức của sinh viên hiệu quả và sáng tạo nhất”, thầy Daniel Ruelle chia sẻ.
Khẳng định ChatGPT là một bước tiến, xu thế tất yếu của công nghệ mà ngành giáo dục cần phải thích nghi, tận dụng để thúc đẩy phát triển giáo dục, các chuyên gia giáo dục cho rằng việc trước mắt là cần dạy cho người học hiểu mặt tích cực và hạn chế cũng như sử dụng ChatGPT một cách có trách nhiệm và đạo đức, như việc ghi rõ nguồn nếu lấy tài liệu, ý tưởng từ ứng dụng này.
Theo giáo sư Nguyễn Đình Đức, ChatGPT và sự phát triển trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những chuyển biến mà con người chưa thể lường trước hết được. Vì thế, thay vì né tránh, người thầy phải tìm hiểu đồng thời không ngừng nâng cao trình độ để thích ứng, áp dụng hiệu quả nhằm phát triển giáo dục.
Theo Phạm Mai (Vietnam+)