Thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị về vùng Đồng bằng sông Hồng vào ngày 12.2
Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 30-NQ/TW về vùng Đồng bằng sông Hồng sẽ diễn ra tại Quảng Ninh vào ngày 12.2, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Chiều 9.2, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã tổ chức họp báo để thông tin về Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Xúc tiến đầu tư vùng. Hội nghị sẽ diễn ra tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh vào ngày 12.2.2023 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Duy Đông chủ trì buổi họp báo tại Hà Nội chiều 9.2
Với chủ đề "Liên kết phát triển - Đổi mới sáng tạo - Xanh và Bền vững", đây là Hội nghị "3 trong 1" được tổ chức không chỉ với mục đích công bố Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mà còn bao gồm các hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành với Chính phủ trong triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng đối với vùng đồng bằng Sông Hồng.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, tại Hội nghị sẽ công bố quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040. Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của vùng đồng bằng Sông Hồng, mở ra cơ hội mới đột phá cho vùng đất là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng và là trung tâm chính trị, kinh tế, đi đầu cả nước về văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số,… dẫn dắt nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước.
Vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, nếu được khắc phục và bên cạnh các cơ hội mới sẽ là “dư địa”, cơ hội để đồng bằng Sông Hồng phát triển nhanh trong thời gian tới, thực sự là vùng động lực phát triển hàng đầu, dẫn dắt quá trình cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của cả nước, Thứ trưởng Trần Duy Đông nhấn mạnh.
"Vùng Đông Nam Bộ là vùng động lực, phải tập trung vào và phải đi nhanh hơn, ứng dụng thành tựu khoa học 4.0, kinh tế số, thì tốc độ tăng trưởng cao được, kéo lên các vùng khác. Nó phải có nền tảng tiềm năng, lợi thế là có con người hiếu học, trình độ nguồn nhân lực cao hơn, điều kiện kết cấu hạ tầng tốt hơn. Chúng ta có điều kiện là các tập trung trung tâm của các trường đại học rồi các viện nghiên cứu trung tâm nghiên cứu phát triển", ông Đông nêu rõ.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 30 với mục tiêu phát triển vùng đồng bằng Sông Hồng trở thành vùng phát triển nhanh, bền vững, hiện đại, văn minh, sinh thái đậm đà bản sắc dân tộc; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh xanh, bền vững phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Thủ đô Hà Nội là thành phố “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển của vùng và cả nước, kết nối toàn cầu, ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và thế giới.
Chương trình hành động của Chính phủ đã đưa ra 21 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó có một số chỉ tiêu quan trọng như: Tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt khoảng 9%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 274 triệu đồng/người/năm. Kinh tế số đạt khoảng 35% GRDP. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. Giảm ít nhất 9% lượng phát thải khí nhà kính. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm khoảng 1,5%/năm. Đạt 32 giường bệnh/vạn dân và 11 bác sỹ/vạn dân.
10 giải pháp trọng tâm như sau:
(1) Công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến thông tin và triển khai thực hiện Nghị quyết;
(2) Hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng;
(3) Phát triển kinh tế vùng;
(4) Phát triển hệ thống đô thị (theo mô hình TOD) bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại;
(5) Phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số;
(6) Phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;
(7) Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân;
(8) Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu;
(9) Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại;
(10) Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị.
Theo Trần Ngọc (VOV.VN)