Cần đẩy mạnh hỗ trợ an sinh cho người đi xuất khẩu lao động về nước
Chuyên gia cho rằng, cần khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động làm việc tại nước ngoài về nước để đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, thời gian qua, công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng; thị trường lao động được mở rộng, đặc biệt là các thị trường có mức thu nhập và điều kiện lao động tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… Nhiều thị trường mới đã được mở ra như Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Séc, Slovakia, Rumani... Số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng ổn định, từ năm 2014 đã vượt qua con số 100.000 người/năm. Đặc biệt, giai đoạn từ 2013 - 2021, Việt Nam đã đưa được gần 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Lao động Việt Nam trước giờ xuất cảnh sang Nhật làm việc sau Tết Nguyên đán
Cũng theo đánh giá của Bộ LĐ-TB-XH, di cư lao động quốc tế nói chung và di cư lao động trong ASEAN đã gia tăng trong những thập kỷ qua. Dù chững lại trong giai đoạn đại dịch Covid-19, thị trường lao động ngoài nước đã gần như phục hồi sau đại dịch với số người lao động đi làm việc ở nước ngoài qua trở lại đạt mức trước đại dịch. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm về ứng phó với khủng hoảng thu được trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã có nhiều đổi mới trong chính sách cũng như hướng tiếp cận để có thể bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cũng như tận dụng những thế mạnh mà lực lượng lao động có kinh nghiệm này có thể mang lại cho nền kinh tế.
Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Nguyễn Bá Hoan cho rằng, lao động đi làm việc ở nước ngoài có thu nhập cao hơn so với cùng công việc trong nước; đóng góp đáng kể vào nguồn ngoại tệ của đất nước, tăng tích lũy và cải thiện đời sống người lao động và gia đình. Lực lượng lao động này sau khi về nước trở thành nguồn lực cho phát triển KT-XH trong nước và là nhân tố quan trọng giúp lan tỏa tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động và là cầu nối văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế. Do vậy, người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về nước cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH nhấn mạnh vai trò quan trọng của lực lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cần được huy động và sử dụng có hiệu quả vì mục tiêu thúc đẩy phát triển KT-XH: "Đây là một chủ trương được Đảng và Nhà nước quan tâm, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động về nước đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho mình và cho người khác".
Bà Katherine Loh - chuyên gia quốc tế về lao động cho rằng, lao động di cư quay về cần được hỗ trợ an sinh. Những người lao động đi làm việc ở nước ngoài trở về đều nói rằng, những kinh nghiệm, kiến thức có được trong quá trình làm việc rất giá trị. Nếu được hỗ trợ, khi trở về nhóm lao động này sẽ có những đóng góp đáng kể cho sự phát triển KT-XH qua những kinh nghiệm họ có được trong thời gian làm việc tại nước ngoài.
Theo N.T (VOV.VN)