Bỏ sổ hộ khẩu giấy: Thuận lợi nhưng còn phải đi lại nhiều
Theo quy định của Luật Cư trú, từ ngày 1.1.2023, sổ hộ khẩu giấy không còn được sử dụng. Thay vào đó, khi thực hiện các thủ tục hành chính, công dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chip, tra cứu thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Sau hơn 1 tháng Luật đi vào cuộc sống, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn vấn đề cần sớm khắc phục.
Ghi nhận tại bộ phận Một cửa của UBND phường Thị Nại (TP Quy Nhơn) vào ngày 8.2, mặc dù quy định mới không cần sổ hộ khẩu giấy, nhưng để đáp ứng việc giải quyết một số thủ tục hành chính (TTHC), người dân buộc phải có giấy xác nhận cư trú.
Cấp giấy xác nhận thông tin cư trú cho công dân tại CA phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn. Ảnh: K.A
“Hôm nay tôi đến UBND phường làm thủ tục xác nhận tình trạng hôn nhân (xác nhận độc thân) để đăng ký kết hôn, bộ phận tiếp nhận hồ sơ không yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu, nhưng yêu cầu giấy xác nhận cư trú của CA phường”, chị Huỳnh Thị Hồng Đào cho biết.
Trong khi đó, bà Lê Thị Huấn đăng ký thủ tục hưởng trợ cấp xã hội (trên 80 tuổi) cho mẹ, theo thói quen vẫn kẹp sổ hộ khẩu giấy trong tập giấy tờ mang theo, dù đã có giấy xác nhận cư trú của CA phường. Bà Huấn cho biết: “Tôi phải đến CA phường để xin giấy xác nhận cư trú rồi mới quay lại phường làm thủ tục. Tuy thủ tục giải quyết rất thuận lợi và nhanh chóng, nhưng phải mất công qua lại 2 nơi”.
Trong khi đó, để hoàn tất thủ tục vay ngân hàng, anh Võ Văn Tịnh (ở huyện Phù Cát) cũng phải đến CA xã để xin xác nhận cư trú. Anh Tịnh cho biết: “Tôi thấy chưa thật sự tiện ích cho dân, vì vẫn phải xác nhận thông tin cư trú từ bên CA, dù đã có CCCD gắn chip cũng như đã đăng ký các thủ tục theo quy định”.
Theo quy định, công dân thực hiện các TTHC và dịch vụ công chỉ cần sử dụng 1 trong 7 cách chứng minh nhân thân theo hướng dẫn của Bộ CA để thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Song, thực tế trong quá trình thực hiện một số TTHC như khai tử, khai sinh, đăng ký kết hôn… công dân vẫn phải đến trụ sở cơ quan CA xã để xin giấy xác nhận thông tin cư trú.
Ông Đỗ Minh Đạt, Phó Chủ tịch UBND phường Thị Nại, lý giải: “Khi xác nhận tình trạng hôn nhân cho công dân, bộ phận tư pháp - hộ tịch phường vẫn phải thực hiện theo Nghị định 123/2015/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch), yêu cầu người dân chứng minh được thời gian cư trú tại phường cũng như những nơi khác. Để chứng minh được điều đó, buộc người dân phải liên hệ CA phường xác nhận thời gian cư trú; nếu người dân không xác nhận thì cán bộ hộ tịch phải liên hệ CA để xác định khoảng thời gian cư trú của người dân. Hơn nữa, hiện nay hệ thống chưa được đồng bộ, địa phương chưa được trang bị thiết bị đọc chip, quét mã QR trên CCCD nên việc thực hiện các hình thức khác chưa thể triển khai”.
Theo đại tá Lê Thanh Hà, Trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (CA tỉnh), sở dĩ xảy ra tình trạng này là do hệ thống tư pháp chưa được trang bị thiết bị đọc chip, mã QR trên CCCD cũng như chưa hoàn thiện kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc khai thác dữ liệu công dân chưa thực hiện được. Vì vậy, khi công dân thực hiện các thủ tục liên quan nội dung này phải có giấy xác nhận cư trú. Lực lượng đã và đang phối hợp với địa phương xác minh thủ tục nhanh chóng, để người dân không bị chậm tiến độ thực hiện TTHC.
“Nhà nước vẫn duy trì quản lý cư trú bằng phương thức hộ khẩu, chỉ thay thế hình thức quản lý bằng phần mềm công nghệ thông tin hiện đại, hiệu quả hơn. Theo đó, khi công dân thực hiện các TTHC về đăng ký cư trú, các thông tin cá nhân cơ bản, thông tin về cư trú của công dân đều sẽ được cập nhật vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thay thế cho việc viết tay và cung cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để xác nhận thông tin về cư trú cho công dân”, đại tá Hà lưu ý.
KIỀU ANH