NGHIÊN CỨU, CHUYỂN GIAO KHOA HỌC CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP:
Nâng chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế
Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp đem lại nhiều kết quả tích cực. Các đề tài nghiên cứu khoa học góp phần tạo ra nhiều giống cây trồng, vật nuôi tốt. Từ những kết quả đó, năm 2023, Sở NN&PTNT cùng với Sở KH&CN tiếp tục triển khai các đề tài, nghiên cứu có tính thực tiễn cao, áp dụng vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản.
Theo thống kế của liên ngành nông nghiệp và KHCN, từ năm 2013 đến nay, tỉnh Bình Định đã triển khai 41 nhiệm vụ KHCN liên quan lĩnh vực nông nghiệp; gồm 33 đề tài cấp tỉnh, 5 dự án thuộc Chương trình nông thôn miền núi và 3 dự án thuộc Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ. Đến nay đã có 24/44 nhiệm vụ đã được nghiệm thu và lựa chọn để nhân rộng.
Năm 2023, Sở NN&PTNT đặt hàng Sở KH&CN nghiên cứu quy trình chuẩn hóa 4 mặt hàng nông sản chủ lực là dưa hấu, ớt tươi, bưởi da xanh và xoài.
- Trong ảnh: Vùng trồng bưởi da xanh ở Hoài Ân được chuẩn hóa các tiêu chuẩn về chất lượng để phục vụ thị trường. Ảnh: THU DỊU
Theo Sở KH&CN, các nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh về ngành nông nghiệp chủ yếu được đặt hàng của Sở NN&PTNT trên cơ sở đề xuất từ các địa phương trong tỉnh, chiếm 10 - 30% tổng số nhiệm vụ được phê duyệt thực hiện hằng năm. Theo đó, các nhiệm vụ KHCN đã được xác định và được triển khai thực hiện một cách nghiêm túc, đúng quy định, từ khâu lựa chọn đề tài cho đến triển khai thực hiện, nghiệm thu, đánh giá và áp dụng vào thực tế.
Đến nay, phần lớn các nhiệm vụ KHCN trong nông nghiệp tập trung vào nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao. Trong đó có thể kể đến các nghiên cứu như phục tráng giống lúa ngắn ngày ĐV 108; nghiên cứu phương pháp nhân giống cây keo lai cấy mô chất lượng cao; phát triển các giống cây trồng cạn như đậu phụng, rau chịu nhiệt; phát triển các giống bò lai chất lượng cao; các nghiên cứu kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời, xuất phát từ thực tế sản xuất nông nghiệp, ngành KHCN phối hợp với ngành nông nghiệp tập trung đẩy mạnh các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo như: Nhận diện và dự báo sâu bệnh hại trên cây trồng; nghiên cứu quy trình nhân giống cây mì; nghiên cứu quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh bằng công nghệ Semi - Biofloc…
Theo bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Phó Giám đốc Sở KH&CN, những năm qua hoạt động nghiên cứu và chuyển giao KHCN trong sản xuất nông nghiệp về cơ bản đều đáp ứng các yêu cầu thực tế, nhờ đó đã giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng giá trị kinh tế cho người dân. Những nhiệm vụ KHCN xuất phát từ đơn đặt hàng của ngành nông nghiệp, có sự tham gia từ cán bộ của ngành nông nghiệp, quá trình triển khai đáp ứng tốt các yêu cầu được giao.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, KHCN khẳng định vai trò quan trọng trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Ở mọi lĩnh vực của ngành nông nghiệp, dấu ấn của KHCN là rất lớn. Nhiều nhiệm vụ KHCN xuất phát từ thực tế của địa phương kịp thời giúp người dân đầu tư sản xuất hiệu quả như nghiên cứu ứng dụng KHKT trong sản xuất giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng cây gỗ lớn; nghiên cứu chế tạo máy móc trong khai thác và bảo quản chất lượng cá ngừ đại dương. Năm 2023, Sở NN&PTNT “đặt hàng” Sở KH&CN tham gia nghiên cứu chuẩn hóa quy trình cho sản xuất nông sản, trong đó tập trung cho 4 sản phẩm chủ lực để hướng tới xuất khẩu là ớt tươi, dưa hấu, bưởi da xanh và xoài.
Xuất phát từ đặt hàng của ngành nông nghiệp, hiện Sở KH&CN tổng hợp đề xuất các nhiệm vụ trình Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KHCN năm 2023. Riêng với nông nghiệp, lĩnh vực trồng trọt có 9 nhiệm vụ, chăn nuôi 2 nhiệm vụ, thủy sản 2 nhiệm vụ. “Chúng tôi phối hợp với Sở NN&PTNT lựa chọn và triển khai đề tài theo nhóm nhiệm vụ được phê duyệt. Riêng với nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng quy trình chuẩn hóa 4 mặt hàng nông sản theo đề xuất của Sở NN&PTNT, Sở KH&CN từng bước xây dựng bộ quy trình đi từ canh tác hợp chuẩn tới truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu để từng bước đáp ứng yêu cầu của thị trường”, bà Hoài cho biết.
THU DỊU