Tìm giải pháp cho vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt đô thị
Chỉ 22,7% nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý đạt quy chuẩn. Toàn tỉnh Bình Ðịnh duy nhất TP Quy Nhơn có 2 nhà máy xử lý nước thải tập trung, nhưng tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý còn rất thấp.
Tốc độ đô thị hóa của tỉnh hiện là 46,3% (bình quân cả nước khoảng 41%). Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom xử lý đạt chuẩn mới chỉ đạt 22,7%; riêng TP Quy Nhơn sở hữu 2 nhà máy xử lý nước thải (XLNT) song tỷ lệ cũng mới chỉ đạt 34,4%, tỷ lệ đấu nối nước thải hộ gia đình vào mạng lưới thoát nước chỉ 51,69%.
Hạ tầng thiếu đồng bộ, vốn đầu tư lớn
2 nhà máy XLNT tại Quy Nhơn được đầu tư từ Dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - Tiểu dự án TP Quy Nhơn, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ vốn 364 tỷ đồng. Trong đó, Nhà máy XLNT Nhơn Bình tại phường Nhơn Bình có công suất 14.000 m3/ngày đêm, phục vụ 12 phường nội thành. Nhà máy XLNT 2A tại phường Trần Quang Diệu, công suất 2.350 m3/ngày đêm phục vụ hai phường Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân và nước rỉ rác đã qua xử lý của khu rác thải Long Mỹ.
Nhà máy XLNT Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) bảo dưỡng hệ thống bể lọc. Ảnh: M.H
Lý giải về tỷ lệ đấu nối hệ thống XLNT tập trung mới đạt hơn 50%, theo bà Đinh Thị Hồng Điều, Phó Giám đốc Ban Quản lý dịch vụ công ích TP Quy Nhơn, số hộ còn lại chưa đấu nối phần lớn tập trung ở 4 phường vùng ven: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Bình, Nhơn Phú, tỷ lệ hiện mới đạt hơn 10%.
“Các hộ dân chưa đấu nối do khu vực này chưa có hệ thống mạng lưới cấp 3 phục vụ đấu nối nước thải (hạ tầng khung mạng lưới cấp nước). Từ năm 2022, thành phố tìm kiếm nguồn vốn để giải quyết đấu nối hệ thống cho các phường vùng ven, đồng thời bố trí từ nguồn đầu tư phát triển và dịch vụ khoảng gần 30 tỷ đồng để duy tu, sửa chữa cho hệ thống này. Tuy nhiên, thật sự nguồn lực đầu tư cho mạng lưới này rất lớn nên làm không xuể”, bà Điều nói thêm.
Ở các đô thị còn lại trong tỉnh, nước thải sinh hoạt hầu như chưa được xử lý, hoặc chỉ xử lý sơ bộ qua bể tự hoại và xả trực tiếp ra môi trường. Trong phát triển đô thị, cùng lúc các địa phương phải dành nguồn lực đầu tư cho nhiều hạ tầng kỹ thuật, trong đó việc đầu tư cho hạ tầng XLNT tương đối phức tạp. Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Hữu Thiện, khác với các hạ tầng khác, hạ tầng XLNT buộc phải đầu tư đồng bộ từ nhà máy XLNT tập trung đến mạng lưới thu gom, không thể phân kỳ, phân vùng hay xé lẻ đầu tư. Nguồn lực đầu tư lớn nên các địa phương không đủ lực mà phải trông chờ tỉnh. Trong khi đó, xã hội hóa đầu tư đối với hạ tầng XLNT là cực khó!
Giải pháp nào cho vấn đề xử lý nước thải đô thị?
Hiện WB tiếp tục tài trợ cho tỉnh Bình Định 4 hợp phần của dự án môi trường TP Quy Nhơn, trong đó tập trung đầu tư nâng công suất Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình lên 28.000 m3/ngày đêm. Ông Đinh Công Hoàng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh, cho hay dự án đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Phần xây dựng công trình, đường ống kết nối đã xong, chỉ vướng cải tạo ở hai hồ lắng mất nhiều thời gian và một số thiết bị nhập từ châu Âu bị chậm do khách quan. Dự kiến năm 2023 nhà máy đi vào vận hành để tăng công suất xử lý nước thải tại thành phố.
“Với hiện trạng của Bình Định, để đáp ứng mức tối thiểu về tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật theo Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị là thật sự rất khó khăn, cần thiết phải có sự quan tâm, quyết tâm thực hiện của các cấp chính quyền trong đầu tư hạ tầng XLNT đô thị”.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Võ Hữu Thiện
Trong khi đó, giải quyết bài toán hệ thống XLNT ở các đô thị lớn của tỉnh, ông Võ Hữu Thiện đặt vấn đề UBND TP Quy Nhơn cần rà soát số lượng đấu nối nước thải hộ gia đình, có kế hoạch đầu tư mở rộng mạng cấp 3 để tăng tỷ lệ đấu nối, lượng nước thải được thu gom. Đồng thời, rà soát quy trình quản lý, vận hành hệ thống thu gom XLNT hiện tại để đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống, đảm bảo đến năm 2025 tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom xử lý đạt trên 50%.
Đối với TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn, Sở Xây dựng đang làm cầu nối trao đổi thông tin với một số nguồn và 2 nghiệp đoàn của Pháp theo chương trình hợp tác Việt - Pháp để tiếp cận các nguồn vốn có tính khả thi cao đầu tư cho hệ thống XLNT. Phấn đấu có thể đưa vào hoạt động giai đoạn 1 của dự án tại An Nhơn vào năm 2025 phục vụ xử lý nước thải của 5 phường: Bình Định, Đập Đá, Nhơn Thành, Nhơn Hưng, Nhơn An; đến năm 2030 tỷ lệ XLNT đô thị đạt trên 30%. TX Hoài Nhơn hiện cũng đang phối hợp các sở, ngành chuẩn bị hồ sơ đầu tư đề án thoát nước mưa và thoát nước thải đô thị Bồng Sơn, để kêu gọi đầu tư, tiếp cận các nguồn vốn vay, vốn hỗ trợ; phấn đấu đến năm 2025 có thể khởi công dự án, đến năm 2030 tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom xử lý đạt trên 30%...
“Sở Xây dựng sẽ làm việc với các địa phương để cùng tháo gỡ từng vấn đề khó khăn, vướng mắc, qua đó đề xuất, tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết tìm cách phát triển hệ thống XLNT tập trung ở các đô thị Hoài Nhơn, An Nhơn, Tây Sơn”, ông Thiện nhấn mạnh.
MAI HOÀNG