Quà tháng Giêng
Tản văn của LÊ THỊ XUYÊN
Ngày cuối tuần, bạn thường làm gì? Nhiều bạn hồ hởi: “Mình sẽ dành thời gian ngủ bù cho những ngày bận rộn trong tuần”, “Mình sẽ dành thời gian đi mua sắm, đi ăn món ngon mình thích”. “Mình sẽ…”. Còn tôi thì tôi chỉ mong đến ngày cuối tuần để được dẫn cháu về nhà với bà và đặc biệt trong tháng Giêng tôi thích được tự tay mình gội đầu cho mẹ.
Mẹ tôi nay tuổi đã ngoài 70. Mấy bác trong xóm mỗi bận ngồi chuyện vãn với nhau vẫn thường nhắc lại chuyện xưa, rằng: Ngày ấy, tóc mẹ cháu đen, dài và mượt lắm, bà ấy thành hoa khôi của làng một phần cũng nhờ mái tóc ấy… Theo năm tháng giờ tóc mẹ rụng rơi đi nhiều. Mỗi lần gội đầu cho mẹ, mẹ chỉ cười hiền lành, ánh mắt rưng rưng “thì già lão đi rồi ai chả thế chứ”, tôi hiểu những điều mẹ không nói.
Tranh của họa sĩ NGUYỄN HẢI NAM
Thời của mẹ không giống như chúng tôi bây giờ. Mẹ chỉ lấy bồ kết hái trong vườn nhà, phơi khô, đem nướng lên, bẻ thành miếng nhỏ, buộc trong một túi vải rồi ngâm với nước, dùng để gội đầu. Mẹ bảo, gội đầu bằng bồ kết vừa không tốn tiền, tóc lại mượt và thơm. Hồi đó chưa ai biết tr ên đời có những thứ gọi là dầu gội đầu, càng không thể hình dung những gì là 2 trong 1 với 3 trong 1. Cả khi chị em tôi dần lớn lên, tóc đứa nào đứa nấy mượt bóng cũng nhờ từ những quả bồ kết trong vườn và từ đôi bàn tay khéo léo của mẹ, nhiều hôm còn có cả hương bưởi hương chanh.
Thói quen gội đầu bằng thảo mộc của mẹ vẫn giữ đến tận bây giờ. Chỉ có điều sau ngày bị ngã, di chứng của chấn thương đốt sống cổ khiến mẹ không thể tự gội đầu một mình. Chị em tôi lớn lên, học tập, rồi công tác ở tr ên phố, ai cũng bận rộn với công việc của mình. Thế nhưng chúng tôi ước hẹn với nhau phải dành thời gian cho mẹ và ai cũng thích phần việc gội đầu cho bà.
Mỗi tuần về nhà, tôi đều thích được gội đầu cho mẹ, hơn nữa chị em lại còn có cơ hội gặp nhau, chuyện trò. T ôi chuẩn bị túi bồ kết nướng thật thơm, cái út lo cho đủ nước ấm, thằng em tôi chuẩn bị lược và khăn khô. Mẹ lấy đó làm vui. Mẹ bảo: “Thích nhất vẫn là được các con gội đầu cho mẹ!”. T ôi tủm tỉm cười: “Ngày xưa, mẹ gội đầu cho chị em con nhiều rồi. Bây giờ, chúng con sẽ gội đầu cho mẹ”. Thế rồi, mẹ lại vui vẻ nhắc chuyện ngày xưa. Ngồi tỉ mẩn gội đầu cho mẹ, nhẹ nhàng chải mái tóc cho mẹ, nghe mẹ dằng dai chuyện một thời ấp iu kỷ niệm, lòng chị em tôi lại rộn lên bao cảm xúc bồi hồi.
Mỗi khi gội đầu cho mẹ, mươi lần như chục kiểu gì cũng cùng nhau kể lại, cùng nhau xuýt xoa, rồi ao ước: “Giá bây giờ, tóc của chị em con cũng đẹp như tóc mẹ ngày ấy nhỉ!”. Nhớ những ngày thơ bé, mỗi lần mẹ gội đầu xong, chị em tôi lại chạy đến bên xin được chải tóc cho mẹ. Chờ tóc mẹ khô, đứa nào đứa nấy cũng đứng bên vuốt v e mái tóc của mẹ. Rồi thể nào đêm về, cả mấy chị em tôi lại tranh nhau được nằm bên mẹ, để được nép mình vào người mẹ, được hít hà hương thơm bồ kết dìu dịu thơm thoảng từ làn tóc mẹ. Chỉ thế thôi mà trở thành niềm ao ước dọc dài suốt tuổi thơ của chúng tôi cho đến tận bây giờ.
Mỗi lần gội đầu cho mẹ, nhận ra mái tóc mẹ ngày thêm pha màu sương gió, lòng tôi lại mường tượng về những nhọc nhằn trong đời mẹ đã trải qua. Gội đầu cho mẹ đơn giản là vậy mà bao y êu thương cứ dâng trào, cảm thấy bình yên nơi cõi lòng, chẳng còn vướng bận với những nỗi muộn phiền, lắng lo. Rồi cả ký ức trong veo, hạnh phúc đến ngọt ngào của tuổi thơ cũng ùa về theo mái tóc mẹ… Gội đầu cho mẹ, cảm nhận dư vị ngọt ngào của hương bồ kết quyện trong hương nắng, hương tóc mẹ để thấy mình may mắn, để biết trân trọng hơn vì còn có mẹ ở trên đời!
Tháng Giêng tôi thích được tự tay mình gội đầu cho mẹ vì đó là tháng có kỷ niệm ngày sinh của cả bố và mẹ tôi. Và chị em tôi thường gọi đó là quà tháng Giêng.