Phát huy hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm
Xác định vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân có thêm “cần câu” để phát triển kinh tế, tạo việc làm cho lao động địa phương, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tích cực phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và sở, ngành triển khai hiệu quả chương trình.
Tạo đòn bẩy
Trong năm 2022, doanh số cho vay chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm là 602 tỷ đồng. Qua đó, tạo đòn bẩy hỗ trợ người lao động mở rộng sản xuất, kinh doanh, thu hút và tạo việc làm cho hơn 13.000 lao động.
Tại TX Hoài Nhơn, trong năm 2022, tổng doanh số giải ngân chương trình vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm hơn 71,5 tỷ đồng với 1.471 lao động được vay vốn.
Với vốn vay giải quyết việc làm 40 triệu đồng, chị Nguyễn Thị Hồng Nga (ở thôn Lương Thọ 1, xã Hoài Phú, TX Hoài Nhơn) đã mở rộng cơ sở sản xuất bình hoa composite. Vượt qua những ngày đầu khó khăn, cơ sở của chị đã từng bước có được bạn hàng, đầu ra ổn định. Bên cạnh tạo thu nhập cho bản thân, cơ sở của chị còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động khác với mức thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/ người/tháng.
Mô hình may gia công của chị Lê Thị Khánh Toàn (ở khu phố 4, phường Tam Quan, TX Hoài Nhơn) cũng từng bước phát triển nhờ sự hỗ trợ của vốn vay giải quyết việc làm. 3 năm trước, chị Toàn vay 50 triệu đồng để đầu tư thêm máy móc và nguyên phụ liệu nhằm mở rộng sản xuất, tuyển thêm lao động. Từ 10 lao động may gia công ban đầu, đến nay, số lượng lao động đã nâng lên 20 người.
“10 chị em may tại cơ sở cùng với tôi. 10 chị em khác vì con nhỏ, bận việc nhà nên nhận hàng về gia công tại nhà. Thu nhập bình quân của các chị em khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ các chi phí, cơ sở của tôi cũng có thu nhập khoảng 12 triệu đồng/tháng”, chị Toàn cho biết thêm.
Hiện tại, cơ sở của chị Toàn có nguồn gia công ổn định về mặt hàng đồ bộ trẻ em. Chị Toàn dự định khi hết thời gian vay vốn với Ngân hàng CSXH, chị sẽ tiếp tục bày tỏ nguyện vọng với Tổ Tiết kiệm và vay vốn mà chị đang tham gia sinh hoạt để được xét duyệt vay vốn thêm lần nữa nhằm tiếp tục đầu tư vào cơ sở may gia công.
Cơ sở sản xuất bình hoa composite của chị Nguyễn Thị Hồng Nga sử dụng hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm từ Ngân hàng CSXH. Ảnh: Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH TX Hoài Nhơn
Phát huy hiệu quả chính sách
Chương trình cho vay giải quyết việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với hộ sản xuất, kinh doanh khó khăn, cần vốn để trợ lực vượt qua giai đoạn khó khăn, mở rộng sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương. Theo phản ánh của các Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện, nhu cầu vốn vay giải quyết việc làm hiện nay rất lớn nhưng nguồn vốn chưa thể đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Theo ông Nguyễn Mỹ Quang, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để nâng cao hiệu quả vốn vay giải quyết việc làm, cơ cấu giải ngân vốn chương trình vay giải quyết việc làm nên tập trung vào các hộ, mô hình sản xuất, kinh doanh đảm bảo tạo được nhiều việc làm mới cho lao động tại địa phương. Và, giảm cho vay đối với lao động trồng rừng, nuôi trâu bò vì số lượng việc làm mới được tạo ra từ các dự án vay này ít.
Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện, hướng dẫn các hộ vay vốn về kỹ thuật, các chương trình khuyến công, khuyến nông cũng là giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Theo đề xuất của Ngân hàng CSXH và các địa phương, thời gian tới, UBND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố sẽ tăng cường nguồn vốn ủy thác cho vay giải quyết việc làm. Mặt khác, rà soát, xây dựng và ban hành các chính sách tín dụng ưu đãi để đảm bảo các đối tượng khó khăn về vốn đều được vay vốn khi có nhu cầu. Trong đó, ưu tiên các chính sách hỗ trợ sinh viên nghèo vay vốn học tập, hỗ trợ hộ nghèo, hộ chính sách khó khăn về nhà ở, hỗ trợ giải quyết việc làm…
NGUYỄN MUỘI