Phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh không lây nhiễm
Theo báo cáo của ngành y tế, bệnh không lây nhiễm đang có xu hướng gia tăng, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe của nhân dân.
Số ca mắc tăng
Thống kê của Bộ Y tế cho biết, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 12,5 triệu người bị tăng huyết áp, 3,5 triệu người đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh tim, gần 165 nghìn ca mắc ung thư mới. Tỷ lệ tử vong do các bệnh không lây nhiễm gây ra chiếm tới 74% tổng số các ca tử vong. Hơn nữa, theo dự báo về mô hình bệnh tật ở Việt Nam, đến năm 2040, gánh nặng bệnh tật sẽ chủ yếu tập trung vào các bệnh không lây nhiễm, chiếm 83,9% tổng gánh nặng tử vong toàn quốc. Trong đó, chỉ riêng nhóm bệnh tim mạch và ung thư đã chiếm 26,2% và 24,6% tổng gánh nặng tử vong.
Khám sàng lọc bệnh võng mạc đái tháo đường tại huyện Phù Cát. Ảnh: HIỀN NGÔ
Tại Bình Định, theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, các bệnh không lây nhiễm (như ung thư, đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp…) ngày càng gia tăng kết hợp với già hóa dân số, biến đổi khí hậu làm tăng gánh nặng bệnh tật. Mô hình bệnh tật có sự thay đổi do sự kết hợp này, cộng vào đó là vấn đề ô nhiễm môi trường khiến nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ngày càng cao thêm.
Theo thống kê của ngành y tế, năm 2022, tổng số bệnh nhân ung thư đã được ghi nhận, theo dõi và quản lý trên toàn tỉnh là 2.367 người; riêng trong năm 2022 ghi nhận thêm 253 ca. Cùng với đó, còn phát hiện mới 1.619 bệnh nhân tăng huyết áp, quản lý tổng cộng 25.256 bệnh nhân. Ngành y tế thực hiện phát thuốc điều trị hằng tháng cho 8.922 bệnh nhân, điều trị đạt huyết áp mục tiêu cho 6.844 bệnh nhân. Duy trì hoạt động khám sàng lọc, ghi nhận, quản lý, điều trị đái tháo đường tại các địa bàn. Qua đó, phát hiện mới 727 bệnh nhân, quản lý 4.894 bệnh nhân, phát thuốc điều trị hằng tháng cho 2.364 bệnh nhân, điều trị đạt đường máu mục tiêu 1.481 bệnh nhân.
Lý giải về số ca mắc một số bệnh không lây nhiễm tăng, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Trung cho biết: Lối sống không khoa học, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, ít vận động là 3 lý do chính khiến người ta dễ mắc bệnh không lây nhiễm, làm gia tăng số lượng bệnh nhân. Bên cạnh đó, hệ thống thống kê giám sát báo cáo ngày càng tốt, đời sống người dân phát triển nên chủ động đi khám phát hiện sớm cũng là yếu tố ghi nhận số ca mắc nhiều hơn.
Tăng cường phát hiện, phòng, chống
Để phòng, chống các bệnh không lây nhiễm, UBND tỉnh cũng đã có Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2022 - 2025. Kế hoạch nhằm tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị để hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm do các bệnh không lây nhiễm như: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản.
Để tăng cường phát hiện, phòng chống một số bệnh không lây nhiễm phổ biến, ngành y tế tỉnh duy trì và phát triển mạng lưới làm công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm. Theo đó, duy trì hoạt động phát hiện, ghi nhận, quản lý ung thư tại 159/159 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh có 113 đơn vị phòng chống tăng huyết áp, gồm: Tuyến tỉnh có BVĐK tỉnh; tuyến huyện có 11 TTYT các huyện, thị xã, thành phố; tuyến xã có 101 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Về công tác duy trì và phát triển mạng lưới làm công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm, ông Nguyễn Thanh Truyền, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Trong năm 2022, Trung tâm triển khai khám sàng lọc, phát hiện, quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường. Cụ thể, phối hợp với chương trình Cùng sống khỏe thực hiện tại 90 xã, phường, thị trấn; phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang thực hiện tại 20 xã, phường, thị trấn… Bên cạnh đó, tổ chức 1 lớp tập huấn về khám sàng lọc ung thư cổ tử cung với 35 cán bộ y tế tuyến huyện, xã tham gia. Phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức 2 lớp tập huấn về quản lý điều trị bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường với 135 cán bộ y tế tuyến huyện, xã tham gia. Cùng với đó là tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe về phòng chống bệnh tim mạch, tăng huyết áp, ung thư, đái tháo đường… và các yếu tố nguy cơ, như: Tuần lễ toàn dân đi đo huyết áp hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống tăng huyết áp (17.5), Ngày thế giới phòng, chống ung thư (4.2), Ngày Thế giới phòng chống bệnh đái tháo đường (14.11), Ngày toàn dân mua và sử dụng muối i-ốt (2.11)… Và tuyên truyền qua báo, tạp chí, tư vấn, thảo luận nhóm, CLB…
Chỉ tiêu phát hiện, điều trị, quản lý một số bệnh không lây nhiễm phổ biến năm 2023 của ngành y tế:
- 50% số người bị tăng huyết áp được phát hiện, 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo đúng hướng dẫn chuyên môn
- 50% số người đái tháo đường được phát hiện, 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị đúng theo hướng dẫn chuyên môn.
- Hơn 80% số người mắc bệnh ung thư được theo dõi quản lý, chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện, TTYT và trạm y tế; trên 25% số người thuộc đối tượng nguy cơ được khám phát hiện sớm ung thư phổ biến (ung thư vú, ung thư cổ tử cung và ung thư đại trực tràng).
ĐỖ THẢO