Xuân Diệu với Quy Nhơn
Trong thơ của mình, đặc biệt trong những dòng hồi ký trong sách Hồi ký song đôi, người đọc thấy chất chứa những kỷ niệm sâu nặng của nhà thơ Xuân Diệu với Quy Nhơn, vùng đất nuôi dưỡng những suy tư, cảm xúc hình thành nên một nhà thơ lớn.
Nhà thơ Xuân Diệu. Ảnh tư liệu
Quy Nhơn nhưng phải đến năm 1930, khi 14 tuổi, ông mới định cư cùng gia đình và sống ở thành phố biển trong 5 năm. Sau này trong bài thơ Tâm sự với Quy Nhơn, ông viết: “Quy Nhơn nhà cũ cạnh chùa Bà/ Gió biển thường vô kể chuyện xa/ Bãi biển phi lao chào sóng biển/ Tàu vào hải cảng gặp tàu ra”.
Xuân Diệu lúc đó đang ở độ tuổi định hình nhân cách, cả trí tuệ và tâm hồn cùng háo hức tìm hiểu thế giới. Sự thay đổi chỗ ở và cảnh quan mới trở thành môi trường lạ lẫm để chàng trai trẻ thỏa sức khám phá. Ông kể: “Quy Nhơn có lợi thế là có biển, có vai trò của biển. Biển Quy Nhơn nhìn rộng ra chân trời nhưng dưới thời Pháp thuộc nó bị bưng bít. Chiều nào tôi cũng đi chơi biển. Biển Quy Nhơn đẹp và sạch sẽ. Hai bên đường biển, hai hàng thông cao vút”. Ấn tượng về biển sâu sắc đến nỗi nó đi vào thơ ông một cách tự nhiên và rất đẹp: “Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là bờ cát trắng/ Bờ cát dài phẳng lặng/ Soi ánh nắng pha lê/ Bờ đẹp đẽ cát vàng/ Thoai thoải hàng thông đứng/ Như lặng lẽ mơ màng/ Suốt ngàn năm bên sóng” (Biển).
Quy Nhơn trong ký ức của Xuân Diệu vẫn còn mãi những mái nhà tranh chen chúc bên cạnh nhà thờ Công giáo to lớn, đồ sộ, với những con đường me tây dài rộng, hình ảnh ông già áp thang vào cột đèn, đổ dầu vào những ngọn đèn đường để thắp sáng đường phố vào ban đêm. Đó còn là những đường phố sầm uất với nhiều tiệm buôn lớn nổi tiếng như Toàn Phát, Đồng Nguyên, Thái Hưng..., những chuyến ghe đêm của làng chài cùng những tiếng rao bán cá lanh lảnh trên những con phố đêm. Tất cả đều in dấu trong thơ ông tự nhiên, giản dị và tha thiết.
Đây là những dòng thơ Xuân Diệu viết sau năm 1975: “Bốn chục năm rồi vẫn biết ơn/ Những thầy tôi học ở Quy Nhơn/ Trường xưa tiếng trống dư âm mãi/ Cái tuổi thanh xuân tóc biếc rờn”. Và trong hồi ký của mình ông còn nhớ như in buổi đi chơi dã ngoại cùng cả lớp và thầy dạy bằng thuyền thăm cảnh núi Phương Mai, chứng kiến cảnh hoàng hôn, từ trên núi nhìn xuống biển và thành phố rất đẹp. Đó còn là những giờ học môn toán ngán ngẩm vì Xuân Diệu chỉ giỏi văn nhưng dở toán: “Hãy nhớ rằng anh lúc ở trường/ Rất tồi toán pháp, giỏi văn chương/ Chàng trai đi học nghe chim giảng/ Không thuộc bài đâu ấy lẽ thường”. Rồi Xuân Diệu nhớ đến người thầy Trần Cảnh Toàn trọng quốc văn, người lan tỏa tình yêu quốc văn đến Xuân Diệu từ việc cho cả lớp làm văn, thơ về những đề tài mà thầy nghĩ ra ngay tại lớp như làm một bài văn tế người dân miền Trung gặp nạn trận lụt lớn năm 1934, hay làm bài phú có chủ đề “Ăn nên vóc, học nên hay”. Thế đấy, sau 40 năm xa cách mà ông vẫn còn nằm lòng những kỷ niệm thuở học trò khi còn đang học ở Quy Nhơn.
Quy Nhơn những năm đầu thế kỷ XX. Ảnh tư liệu
Dõi theo sáng tác của Xuân Diệu cả thơ, văn và đôi lúc cả ở phê bình văn học, ta thấy Quy Nhơn trong ông là những không gian bình dị, sâu lắng nhưng thiêng liêng trong cảm nhận rất riêng. Khi trốn nhà đi chơi, ông thích thú khi nhìn thấy những hàng me dọc bên đường, trĩu quả, gặp vài trái me dốt là bóc vỏ ăn liền, sau đó ngạc nhiên khi thấy vô vàn me chín rụng đầy sau một cơn gió bấc thổi. Và những không gian huyền diệu như thế đã đi vào thơ ông: “Tim ta ơi ta đố em ngủ được/ Khi những buổi trưa của tuổi nhỏ lại về/ Đi lượm xoài non rụng với khèo me/ Một cái vườn hoang là cả một địa đàng cho mình khám phá”.
Trong Hồi ký song đôi có một câu chuyện khá thú vị về mối tình học trò mới chớm nở giữa nhà thơ giỏi văn chương, làu thông tiếng Pháp với người đẹp có tên Hồng Loan có đôi mắt xếch rất đẹp. Định mệnh buộc họ phải chia tay vì người đẹp sang Hồng Kông định cư. Bữa tiệc nhỏ chia tay giữa hai người vào ngày rằm mười sáu, trăng rất sáng, buồn như một lời hẹn ước đã đi vào thơ Xuân Diệu sau này: “Trăng rất sáng là trăng của tình duyên”.
Còn rất nhiều những câu chuyện vui buồn, những con người, những cảm nhận của Xuân Diệu về Quy Nhơn mà ông day dứt vì không thể đưa hết vào thơ. Trong hồi ký, dường như Xuân Diệu bơi lội trong kỷ niệm và như thế ta không thể ngạc nhiên khi những kỷ niệm ngót gần nửa thế kỷ vẫn được ông nhớ và kể lại với những chi tiết cùng không gian và thời gian cụ thể. Sở dĩ như thế là vì ông trân trọng cuộc sống hôm nay và cả quá khứ nữa và xem những kỷ niệm như là báu vật, có nhiều ý nghĩa. Theo Xuân Diệu, những kỷ niệm là một thế giới phong phú và nếu chúng ta kể cho con cháu nghe, sẽ góp phần nuôi dưỡng tình cảm và làm cho tâm hồn các em được giàu thêm cái phần nhân đạo, nhân từ. Nhưng trên hết cái thế giới thị thành có ý nghĩa lớn đến Xuân Diệu trong việc làm thơ.
Trong Hồi ký song đôi ông thật thà bộc bạch: Từ nhà quê đi xuống thành phố như thành phố Quy Nhơn là một sự nhảy vọt trong sự phát triển của người tôi, của trí tuệ và tình cảm nữa. Được về thành phố, con người được giải phóng hơn, tiếp xúc nhiều hơn với xã hội, cuộc sống gần với thế giới hiện đại hơn, tình cảm cũng được phát triển phong phú. Tất cả những điều đó cũng làm cho tôi gần với chủ nghĩa lãng nạn, khiến cái individu (cái cá nhân) của tôi có ý thức hơn và phát triển. Và như chúng ta đã biết, cái individu phát triển như ông chiêm nghiệm đã làm nên một Xuân Diệu nổi tiếng trong phong trào thơ mới sau này.
NGÔ HỒNG SƠN