Sau một nhát dao…
Phiên tòa phúc thẩm xử bị cáo Đ.T.N. (SN 1976, trú tại thôn An Trinh, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ) rất ít người tham dự. Phía bị hại không có ai, bên bị cáo cũng chỉ có mấy đứa con, người thân trong gia đình. Trong cả hai phiên tòa - sơ thẩm lẫn phúc thẩm, bị hại đều vắng mặt, nhưng có đơn xin bãi nại cho bị cáo.
Cả giận mất khôn
Bị hại là chồng cũ của bị cáo, là cha của ba đứa con mà bị cáo đang nuôi. Theo cáo trạng, do bực tức chồng bỏ bê gia đình, ghen tuông, nên khoảng 9 giờ 30 phút ngày 9.10.2013, Đ.T.N. chở hai con đến gặp chồng là anh N.V.T đang nhận thầu công trình ở thôn Vạn Thiện, xã Mỹ Hiệp để nói chuyện.
Kể từ ngày xảy ra chuyện, cháu nội không qua lại nhà ông bà như xưa.
- Trong ảnh: Cha mẹ của anh N.V.T.
Đến nơi, vợ hỏi chồng vì sao không về nhà, không đưa tiền cho con ăn học thì bị chồng dọa đánh nếu không chịu im miệng. Sau khi bị chồng tát một tát tai, N. rút dao thủ sẵn trong người lao đến đâm một nhát thấu tim chồng.
Hai tháng sau vụ việc trên, anh T. xin ly hôn vợ. Tháng 12.2013, cả hai ra tòa ly hôn, thống nhất không chia tài sản chung là ngôi nhà mà giao lại cho con trai khi cháu đến tuổi trưởng thành. Quan hệ vợ chồng chấm dứt từ đó. Thế nhưng mối liên hệ pháp lý giữa 2 người thì vẫn còn khi chị N. bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích.
“Dù sau đó ảnh có đơn bãi nại, nhưng vì tui đã gây ra thương tích đến 45% nên vẫn bị khởi tố. Tòa sơ thẩm xử 36 tháng tù, cấp phúc thẩm giảm được 6 tháng, nhưng đằng nào thì tui cũng phải ngồi tù. Tội mình làm mình chịu, chỉ tội cho mấy đứa nhỏ ở nhà…”, chị N. nói vậy sau phiên tòa phúc thẩm.
Theo lời chị N. kể, từ ngày anh T. đi làm thầu khoán xây dựng, rày đây mai đó theo công trình, vợ chồng họ bắt đầu lục đục. Nhà cửa vì vậy chẳng mấy khi yên ổn, hàng xóm cũng khổ lây. “Đánh nhau riết rồi tui lấy dao thủ sẵn để ảnh khỏi dám đánh tui. Sáng hôm ấy, tui chở hai con lên kiếm chồng, định có gì để chúng nói phải quấy với cha. Hai bên nói qua nói lại, chẳng biết ma xui quỷ khiến sao mà tui đâm một nhát trúng ngực ảnh, máu tuôn xối xả. Công nhân đưa ảnh đi cấp cứu, còn tui ra công an xã đầu thú”, chị N. nhớ lại.
Đằng sau nhát dao…
Còn nhớ, ngày 10.10.2013, anh T. đang được cấp cứu tại BVĐK tỉnh, tôi cũng có mặt. Bác sĩ điều trị nói chỉ cần lưỡi dao chệch qua một chút nữa thôi, anh T. khó bề qua khỏi. Gia đình anh T. không cho chị N. vào thăm vì sợ T. sẽ bị sốc, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Chuyện của người lớn, nhưng trẻ con tránh sao không bị liên luỵ, ảnh hưởng.
- Trong ảnh: Đứa con trai út của anh T. và chị N.
Nhát dao ấy không chỉ cắt đứt quan hệ vợ chồng, mà dường như còn cắt cả sợi dây tình thâm máu mủ. Thấy tôi đến nhà, ông P., cha anh T., hỏi thăm: “Nghe nói tòa kêu án nó (chị N.- PV) 3 năm tù mà sao chưa thấy đi. Tui có số của CA đây, định bụng vài bữa nữa hỏi cho ra lẽ”. Ông P. nói mức án 3 năm tù xử con dâu cũ là còn nhẹ. Nhưng vợ ông P. và người con trai cả lại nói khác: “Nó đi tù, tội mấy đứa nhỏ không ai nuôi”. Giọng người mẹ buồn buồn: “Chuyện của gia đình nó, tui công nhận là không có lửa thì làm sao có khói. Tui cũng ngầy la thằng T. nhiều đến mức nó ngán không muốn về nhà. Cũng vì ghen tuông mà vợ nó cũng có lần chém đứt gót chân chồng, rồi đổ dầu lửa dọa đốt chồng. Chuyện nhà lục đục cũng là do… tại anh tại ả mà thôi. Nó giấu gia đình, xin bãi nại đó chớ…”.
Gần trưa, nắng xiên chói vào hiên nhà ông P. Đứng bên này nhìn thấy nóc nhà chị N.. Họ ở gần nhau lắm. Vậy nhưng từ ngày xảy ra việc, hai gia đình hầu như không qua lại gì với nhau nữa. Người anh cả của T. loáng thoáng: “Vợ chồng nó ly hôn, ba đứa cháu đều đòi ở với mẹ. Từ bấy đến nay, chúng cũng chẳng qua lại bên đây. Thằng nhỏ mấy bữa thấy bác là ôm chầm lấy, còn giờ hễ thấy là lẩn đi chỗ khác”. Tôi hỏi ông P.: “Nay mai nếu chị N. đi tù mấy đứa cháu không ai nuôi, bác tính sao?”. Ông P. điềm nhiên: “Nếu chúng về đây thì tui nuôi. Còn không thì thôi. Chứ không lẽ lại đi quỵ lụy chúng hay sao?”.
Chuyện của người lớn, nhưng con nhỏ tránh sao khỏi việc ảnh hưởng về sau. Hôm xảy ra chuyện, có hai đứa con của chị N chứng kiến mọi việc. Nhắc đến ba, gương mặt con trai út chị N. buồn thiu, lắc đầu bảo “không nhớ”, rồi kể hôm đám giỗ nhà ông nội cũng không sang vì “không được biểu”. Hai người chị của cháu, một 19 tuổi và một 14 tuổi cũng đã nghỉ học kể từ khi nhà xảy ra chuyện. Đứa lớn đi bán cà phê ngoài thị trấn Phù Mỹ, đứa nhỏ bỏ ngang lớp 8, lên Tây Nguyên học nghề uốn tóc. Chị N. nói: “Nay mai tui thụ án, chắc chị em nó ở nhà với nhau chứ biết nhờ ai, vậy nên tui mới kêu con bé ở Đắk Nông về mới ngày hôm kia chứ mấy”.
THU HÀ