KỶ NIỆM 110 NĂM NGÀY SINH ÐỒNG CHÍ HUỲNH TẤN PHÁT (15.2.1913 - 15.2.2023)
Bậc trí thức lớn của dân tộc, lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước, Mặt trận
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15.2.1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay là ấp Tân Hưng, xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) trong một gia đình địa chủ phá sản. Với tư chất thông minh, Huỳnh Tấn Phát lần lượt tốt nghiệp bậc tiểu học, trung học tại Trường dòng Laxan Tabe Mỹ Tho, Trường Trung học Mỹ Tho, Trường Trung học Pétrus Ký (Sài Gòn).
Năm 1933, Huỳnh Tấn Phát thi đậu vào khoa Kiến trúc khóa 8, Trường CĐ Mỹ thuật Đông Dương và tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc năm 1938. Năm 1940, Huỳnh Tấn Phát mở văn phòng kiến trúc sư và trở thành kiến trúc sư nổi tiếng.
Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Huỳnh Tấn Phát (thứ 2 từ trái sang) gặp mặt Hoàng thân Souphanouvong trong chuyến thăm nước CHDCND Lào. Ảnh: daidoanket.vn
Chứng kiến tinh thần đấu tranh bất khuất của những chiến sĩ cộng sản, của nhân dân trong và sau Khởi nghĩa Nam Kỳ, Huỳnh Tấn Phát quyết tâm chuyển hướng sang hoạt động cách mạng. Tháng 3.1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tích cực hoạt động chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 tại Sài Gòn và Nam Bộ; tham gia lãnh đạo và có đóng góp vào thắng lợi của Tổng khởi nghĩa, giành chính quyền ở Sài Gòn ngày 25.8.1945.
Ngày 23.9.1945, khi quân đội Pháp trở lại xâm chiếm Sài Gòn, đồng chí bị địch bắt và được trả tự do sau 3 ngày. Tháng 10.1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được cử làm Trưởng đoàn đại biểu Thanh niên Nam Bộ ra Hà Nội dự Đại hội Thanh niên toàn quốc. Trở về Nam Bộ, đồng chí được giới thiệu ra ứng cử ở đơn vị bầu cử tỉnh Mỹ Tho và đắc cử đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đầu năm 1946, đồng chí bị địch bắt và bị kết án 2 năm tù. Sau khi ra tù, đồng chí liên lạc ngay với tổ chức, được phân công phụ trách công tác trí vận, báo chí ở Sài Gòn, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Nam Bộ. Đầu năm 1949, đồng chí thoát ly gia đình vào chiến khu Đồng Tháp hoạt động; được cử làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, Bí thư Đảng đoàn Đảng Dân chủ Việt Nam.
Năm 1950, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn thành lập, đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Đặc khu, Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, đồng chí được phân công hoạt động tại Sài Gòn. Cuối năm 1956, đồng chí được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, phụ trách Ban Trí vận và Chính quyền vận. Đồng chí đã có nhiều đóng góp trong việc thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Năm 1961, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Năm 1962, được Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam bầu làm Phó Chủ tịch đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận. Tháng 6.1969, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và giữ chức vụ này cho đến ngày đất nước thống nhất.
Năm 1976, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ, sau đó được phân công kiêm chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban xây dựng cơ bản Nhà nước và được chỉ định làm Đại diện thường trực Việt Nam tại Hội đồng tương trợ kinh tế các nước XHCN (năm 1979).
Năm 1981, đồng chí được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; tháng 6.1982, được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Năm 1983, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại Đại hội lần thứ II MTTQ Việt Nam.
Dù ở vị trí công tác nào, đồng chí luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát là dịp để chúng ta tri ân, khẳng định những công lao và đóng góp quan trọng của một bậc trí thức lớn của dân tộc, lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Đồng chí là tấm gương sáng cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
NGỌC HIỀN