Liệu pháp tâm lý xã hội hỗ trợ điều trị bệnh nhân tâm thần
Cùng với việc thực hiện nghiêm túc những liệu pháp sinh học như sử dụng thuốc đúng liều, lượng mỗi ngày, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn còn triển khai nhiều liệu pháp tâm lý xã hội phù hợp, giúp bệnh nhân tâm thần kéo dài thời gian ổn định, hạn chế tái phát, cải thiện sức khỏe tinh thần.
Thoải mái và vui vẻ
Sáng nào cũng vậy, tầm 7 giờ, sau khi làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng, từng tốp người tâm thần rủ nhau đi lao động. Sáng 13.2, 4 thành viên của tổ làm cây cảnh xuất phát sớm nhất. Đến gần một gốc mai to, hai người dừng lại, tưới nước lên thân, rồi dùng bàn chà và giẻ lau làm sạch những mảng nấm mốc cùng rong rêu bám trên thân cây. Làm sạch cây mai xong, họ chuyển sang gốc hoa giấy bên cạnh, lặt lá, cắt tỉa lại những cành hoa.
Anh V.N.N, tổ trưởng tổ làm cây cảnh cho biết, 4 thành viên đều có nghề. Sau tết Nguyên đán, họ bàn kế hoạch vệ sinh mấy chậu cây cảnh, bón phân rồi dưỡng cây. “Anh em đều biết việc, hiểu việc, thích việc nên chúng tôi có mối quan tâm và niềm vui chung để cùng chia sẻ”, anh N. cho hay.
Nghe tiếng trò chuyện xôn xao sau lưng, các thành viên tổ làm cây cảnh quay lại, cất tiếng chào các thành viên tổ đan nhựa giả mây và tổ làm chổi đi ngang qua.
Tổ làm cây cảnh làm vệ sinh cây mai. Ảnh: N.T
Còn các thành viên của tổ may đang chăm chú đo, may cho thật thẳng những đường kim mũi chỉ trên từng chiếc quần, áo. Chị Đ.T.L, thành viên tổ may cho biết, các chị đang sửa số áo quần vừa được tặng để thật vừa vặn với phom từng người tâm thần đang được nuôi dưỡng tại đây. “Chúng tôi lấy số đo của từng người, áp vào quần hoặc áo có sẵn, cái nào rộng thì bóp lại, chật thì nới ra”, chị L. cho hay.
Trong số các tổ nghề, tổ đan nhựa giả mây luôn đông nhất, với bình quân 20 - 30 thành viên cả nam lẫn nữ, cùng làm việc tại Nhà đa năng của Trung tâm. Kế bên họ là tổ làm chổi. Việc ai nấy làm, không biết làm thì hỏi cán bộ quản lý tổ túc trực tại đấy. Thi thoảng, người này người kia kể câu chuyện vui khiến cả tổ cười vui vẻ.
Theo ông Đoàn Thế Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, đơn vị luôn hướng việc tạo môi trường sống, sinh hoạt an toàn, thân thiện, thoải mái nhất cho đối tượng. Sau nhiều năm triển khai liệu pháp tâm lý xã hội, mô hình lao động liệu pháp và lao động trị liệu phục hồi chức năng với sự điều chỉnh liên tục để phù hợp và tạo tác động tích cực đã giúp nhiều bệnh nhân tâm thần ở đây cải thiện sức khỏe tinh thần, sống vui, sống khỏe và thêm yêu đời.
“Trừ những lúc lên cơn, hầu hết người tâm thần rất đàng hoàng, tử tế và chăm lao động. Lao động trị liệu phục hồi chức năng liên quan đến mô hình nghề khá “kén” đối tượng, còn lao động liệu pháp là vận động nói chung, kể cả TDTT dành cho tất cả mọi người. Hằng tuần, chúng tôi đều có kế hoạch sinh hoạt, cuối mỗi tuần họp đánh giá kết quả và lên kế hoạch hoạt động cho tuần mới”, ông Tuấn cho biết.
Yêu thương và chia sẻ
Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn đang quản lý, nuôi dưỡng 530 người tâm thần, trong đó có 50 người theo hình thức xã hội hóa (Nhà nước và gia đình đối tượng cùng chia sẻ các khoản chi phí). Vào đây, bệnh nhân được điều trị, ăn ngủ, tham gia hoạt động, sinh hoạt có giờ giấc, phù hợp thể trạng, sức khỏe. Mọi người đều được đối xử như nhau, được tạo điều kiện thể hiện năng khiếu, sở trường, thậm chí có được thu nhập nho nhỏ.
Chỉ vào một tốp gần 10 thanh niên đang hướng về sân bóng chuyền, Giám đốc Đoàn Thế Tuấn cho biết, nhiều người chơi thể thao rất tốt, có người từng học văn hóa rất giỏi, làm nghề rất thông thạo, có người đã có vợ con đuề huề. Ông Tuấn cất giọng hỏi một thành viên đội bóng tóc đã điểm sương: “Năm nay anh về ăn Tết vui không?”. Ông này cười thật tươi, khoe: “Vui lắm. Con gái, con trai mỗi đứa lì xì tôi 1 triệu đồng lận”.
Người giám đốc có thâm niên hơn 20 năm làm việc ở đây nhận ra người tâm thần luôn cảm nhận được tình thương người khác dành cho mình. Lâu nay, Trung tâm đã nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan chức năng, hội, đoàn thể, nhà hảo tâm, đời sống của người tâm thần theo đó cũng được cải thiện hơn về nhiều mặt.
“Cùng với hiện vật, người tâm thần cần những sự hỗ trợ khác như có thêm cơ sở chấp nhận đưa hàng để họ gia công, hoặc tiêu thụ những sản phẩm chưa thật đẹp, chưa thật hoàn hảo của họ. Mong muốn không bị kỳ thị, nhu cầu trở thành người có ích đang thường trực trong không ít người, nhất là số dần ổn định và có kỹ năng nghề. Đó là một trong những lý do Trung tâm đang xin mở thêm cơ sở 2, để tạo thêm điều kiện tổ chức lao động liệu pháp, đồng thời tiếp nhận thêm những đối tượng có nhu cầu”, ông Tuấn bày tỏ.
NGỌC TÚ