Người gùi hơ’mon về đâu...
Mới rồi gặp lại nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Yang Danh, mặt ông buồn rượi, bảo tôi hay tin gì chưa, Yă Xuâng, nữ nghệ nhân ưu tú (NNƯT) cuối cùng nắm giữ và có khả năng trình diễn nhiều bài hơ’mon, đã mất rồi. Bà mới mất tuần trước…
NNƯT Đinh Thị H’Lên
Vẫn biết rồi ai cũng về với cát bụi, nhưng khi nghe tin, tôi lặng đi một lúc. Tôi nhớ ngôi nhà của Yă Xuâng lọt thỏm trong một thung lũng vắng, biệt lập với làng. Vợ chồng bà ở nhà rẫy để tiện chuyện chăm lúa, chăm mì. Ba năm trước, khi vào thăm bà, bà còn khỏe. Bà còn hát cho tôi và một người bạn những đoạn hơ’mon về tình yêu, về đất và người Bana trong sự cộng sinh với rừng. Nhà nghiên cứu Yang Danh nhiều lần nhắc với tôi, cái hẹn lên Vĩnh Sơn, thăm Yă Xuâng để ông có dịp ghi âm lại những bài hơ’mon mà bà đang nắm giữ. Vậy mà chẳng hiểu vì một lẽ gì, cứ lần lữa… Nhắc lại, ông còn đầy thương xót và tiếc nuối: “Yă Xuâng lớn tuổi. Mình cũng có tuổi. Muốn gặp Yă Xuâng để thăm một nghệ nhân là vốn hiếm của hơ’mon, để ghi lại những bài hơ’mon chứ nhỡ sau này người đi, mọi thứ cũng phôi pha và biến mất. Nhưng chưa kịp thực hiện, thì người đã đi về với đất, với Giàng”.
Yă Xuâng tên thật Đinh Thị H’Lên, sinh năm 1936. Bà ở làng K2 (Kon Truch), xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh. Từ nhỏ, bà đã mê mẩn giai điệu và những câu chuyện của những bài hơ’mon được các nghệ nhân xưa trình diễn. Mê rồi cố công tìm học. Bà cứ nghe, rồi như những điệu hơ’mon ấy ngấm vào người, bà thuộc lúc nào không hay. Nhiều năm nay, bà là nữ nghệ nhân lớn tuổi nhất hát và giữ nhiều bài hơ’mon của người Bana tại huyện Vĩnh Thạnh. Học từ nhiều nghệ nhân đi trước, Yă Xuâng nắm giữ kỹ năng, kỹ thuật hát, kể hơ’mon sinh động, truyền cảm. Những thập niên trước, vào hằng đêm, đặc biệt là những ngày hội làng, mọi người tập trung về nhà nghệ nhân Yă Xuâng để nghe bà biểu diễn. Bà còn truyền dạy hơ’mon cho nhiều người trong và ngoài vùng, đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài tỉnh, góp phần giữ gìn và phát huy vốn văn hóa truyền thống của dân tộc Bana trên địa bàn tỉnh. Với những đóng góp tích cực, năm 2007, bà được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Đến năm 2015, bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNƯT.
Những ngày còn Giêng, hay tin bà về cõi atâu, về với đất với Giàng, nhiều người nuối tiếc. Trong mạch chuyện về hơ’mon, nhà nghiên cứu Yang Danh trầm giọng: “Những nghệ nhân còn nắm giữ và có khả năng trình diễn hơ mon như Yă Xuâng ở Vĩnh Thạnh, hiếm lắm. Lần lượt họ đều đã mất. Giờ, bà cũng đi. Nhiều bài hơ’mon xưa cũng theo người đi mất...”. Khi tôi kết nối cùng nghệ nhân nhân dân Đinh Chương, người thân thiết ở cùng xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) với Yă Xuâng, ông bùi ngùi: “Yă Xuâng đã cõng “một gùi hơ’mon” đi rồi. Người sau, chưa kịp giữ lại gì nhiều…”.
Yă Xuâng mất, người Bana Kriêm tiếc nuối một đứa con của núi rừng lành hiền, giỏi giang. Còn những người yêu quý hơ’mon, thì sự nuối tiếc ấy càng khiến họ xa xót. Mà chẳng xót sao được, khi ta chẳng kịp giữ lại gì đó quý giá, dẫu ta có khả năng làm được điều ấy. Cái câu nói của nghệ nhân nhân dân Đinh Chương - “Yă Xuâng đã cõng “một gùi hơ’mon” đi rồi...”, sao cứ khiến ta chạnh lòng...
VÂN PHI