Cập nhật, mở rộng mô hình phục hồi chức năng cho bệnh nhân
Thời gian qua, Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh không ngừng nỗ lực, nâng cao chất lượng điều trị, giúp bệnh nhân, người khuyết tật được chăm sóc, chỉ định, can thiệp một cách đa ngành, toàn diện. Để biết thêm về vấn đề này, phóng viên Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Võ Ngọc Phải, Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng tỉnh.
*Được biết, phục hồi chức năng là một trong những nội dung thành công của ngành Y tế Bình Định thời gian gần đây, trong đó Bệnh viện Y học cổ truyền và Phục hồi chức năng là đầu mối. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
- Trước năm 2015, ngành phục hồi chức năng (PHCN) ở tỉnh Bình Định rất hạn chế, có rất ít bệnh viện có bác sĩ, giám định viên chuyên về lĩnh vực này, ngay cả khi có thì họ thực hiện những kỹ thuật lạc hậu, đơn lập. Phổ biến ở chuyên ngành PHCN chỉ có mảng vật lý trị liệu, trong đó có điều trị bằng thiết bị (siêu âm, từ trường...) và tập vận động cho bệnh nhân.
Từ năm 2017, với sự trợ giúp từ các dự án của Cơ quan Phát triển quốc tế của Hoa Kỳ (USAID), ngành PHCN có thêm nhiều bác sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo ở nhiều chuyên ngành khác nhau, như kỹ thuật viên vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu, kỹ thuật viên công nghệ trợ giúp. Đến nay bộ phận PHCN tại nhiều cơ sở y tế trong tỉnh đã có đủ các thành phần đó. Bên cạnh công tác đào tạo, trong năm 2022, Dự án “Hòa nhập - II” hỗ trợ xây dựng quy trình làm việc chuyên môn khoa học, chặt chẽ. Quy trình này thể hiện cách thức bác sĩ và kỹ thuật viên phối hợp trên một bệnh nhân, gọi là mô hình PHCN theo nhóm đa ngành.
Mô hình PHCN theo nhóm đa ngành lấy bệnh nhân làm trung tâm và có quy trình chuyên môn rõ ràng để chỉ định, can thiệp cho bệnh nhân, người khuyết tật, như vậy sẽ chất lượng hơn. Với sự hỗ trợ của các dự án, chúng ta xây dựng quy trình chặt chẽ, Bình Định là một trong số ít tỉnh đầu tiên của cả nước áp dụng quy trình PHCN theo nhóm đa ngành, tiệm cận với trình độ PHCN tiên tiến của thế giới.
Bệnh nhân thực hành phục hồi chức năng cầm đũa tại mô hình nhà trung chuyển. Ảnh: T. KHUY
* Với những gì đã đạt được trước đó, năm 2023, mảng PHCN sẽ có thêm những hoạt động nào tiếp theo, thưa ông?
- Các dự án đã mang lại rất nhiều lợi ích cho cộng đồng. Chất lượng điều trị PHCN tốt hơn trước rất nhiều. Gia đình của người khuyết tật được hỗ trợ các dụng cụ trợ giúp như xe lăn, xe lắc. Công tác truyền thông cũng làm cho người khuyết tật thoát khỏi vỏ bọc, cộng đồng cũng thấu hiểu hơn, đồng thời cung cấp cho người khuyết tật kiến thức để chăm sóc sức khỏe bản thân, phòng tránh các biến chứng thứ cấp. Đặc biệt, các dự án giúp nâng cao năng lực hệ thống y tế qua đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng quy trình chuyên môn. Trong 8 tỉnh thuộc vùng hưởng lợi từ dự án của USAID, Bình Định được hỗ trợ nhiều nhất cả về vốn và kỹ thuật vì chúng ta có nhiều ý tưởng, trình bày rõ ràng nhu cầu hỗ trợ, phát triển để các chuyên gia căn cứ vào đó mà giúp đỡ.
Với mô hình đa ngành hoàn chỉnh trong năm 2022 đã xây dựng, thời gian tới chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn; truyền thông để giúp người khuyết tật, người có nhu cầu PHCN biết đến; đặc biệt là sẽ phát triển khu PHCN đa ngành theo hướng hiện đại hơn.
Mặt khác, ở góc độ đối ứng, Sở Y tế cũng hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng để chúng tôi mua sắm trang thiết bị, hướng đến công tác khám chữa bệnh PHCN kết hợp y học cổ truyền theo đúng chỉ đạo của tỉnh. Đáng chú ý là chúng tôi vừa mới đưa vào sử dụng khu tập PHCN ngoài trời, đây là hoạt động hoàn toàn mới được bệnh nhân đón nhận rất tích cực.
* Ông có thể nói thêm về khu PHCN ngoài trời?
- Chúng tôi có mô hình thực hành PHCN sinh hoạt hằng ngày cho bệnh nhân, nói dễ hiểu gọi là “nhà trung chuyển”. Ví dụ như bệnh nhân đột quỵ mất hết các chức năng sinh hoạt hằng ngày như đi lại, nhận thức, viết chữ, làm vệ sinh cá nhân... thì chúng tôi sẽ can thiệp giúp bệnh nhân hồi phục trước khi đưa họ về với cộng đồng. Như vậy, trong mô hình nhà trung chuyển đó mới đầu tư bên trong thôi. Nghĩa là PHCN sinh hoạt trong nhà, nên thiết kế giống như một căn hộ, có nhà bếp, giường ngủ, tủ quần áo, bàn tiếp khách, ti vi, kệ rửa chén... Còn chức năng bên ngoài nghĩa là bệnh nhân đi ra ngoài, sử dụng xe lăn, gậy, nạng, đi đường gồ ghề, đường có cát sỏi... Khu PHCN ngoài trời giống như công viên PHCN, có lắp các thiết bị tập PHCN ngoài trời. Như vậy, PHCN cho bệnh nhân từ bệnh viện, đến môi trường sinh hoạt gia đình và ra ngoài cộng đồng. Nói cách khác bệnh nhân được tập luyện hoàn chỉnh trên nhiều môi trường, không gian khác nhau.
* Xin cảm ơn ông!
THẢO KHUY (Thực hiện)