Xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước ngăn ngừa và giảm thiểu bạo lực:
Bắt đầu từ trong mỗi “tế bào của xã hội”
Bạo lực trên cơ sở giới nảy sinh từ sự bất bình đẳng trong mối quan hệ và thường nhằm vào phụ nữ hoặc ảnh hưởng đến phụ nữ. Từ năm 2013, mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới được triển khai tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước. Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, công tác ngăn ngừa bạo lực trên cơ sở giới, cụ thể là việc ngăn chặn bạo lực gia đình đã có bước chuyển tích cực.
Chống bạo hành để bảo vệ hạnh phúc gia đình là thông điệp xuyên suốt trong nhiều tiết mục văn nghệ tại các buổi sinh hoạt Câu lạc bộ ngăn ngừa và giảm thiểu tác tại của bạo lực trên cơ sở giới.
- Trong ảnh: Tiết mục kịch: “Bữa cơm muộn màng” của Câu lạc bộ thôn Phụng Sơn.
Hàn gắn những rạn vỡ
Sau 20 năm chung sống, đến hôm nay, chị Phan Thị Mười, 41 tuổi, ở thôn Mỹ Trung, mới có thể thở phào nhẹ nhõm dù đang sống ngay giữa ngôi nhà của mình. Vài tháng qua, chồng chị thôi nhậu nhẹt. Những trận “cuồng phong” do chính anh gây ra lúc trong người có hơi men cũng biến mất. Cái cảnh mẹ con dắt díu nhau ôm mùng mền ra khỏi nhà để trốn những cơn nóng giận của chồng mỗi chập choạng tối hay giữa khuya cũng không còn nữa.
Với chị, đó là niềm vui không gì kể xiết. Dù không ít lần, chị hoang mang, lo sợ ngày chồng lại “ngựa quen đường cũ” mà tái diễn những cảnh đau khổ cũ nhưng cái cách anh cố gắng kiềm chế, nhỏ nhẹ với vợ con khiến chị yên tâm. Chị bảo: “Muộn còn hơn không! Thấy chồng thay đổi, không khí gia đình thuận hòa hơn trước là tôi mừng rồi. Bà con hàng xóm thấy cảnh nhà không còn lùm xùm, ồn ào như trước cũng mừng thay cho vợ chồng tôi”.
Kết quả tích cực ban đầu ấy bắt đầu từ khi chị Mười được các cán bộ thuộc Tổ phòng, chống bạo lực giới của địa phương tiếp cận. Nỗi xấu hổ vì bị bạo ngược trong chị đã dần dần được tháo gỡ. Hiểu hơn về sự giúp đỡ của cộng đồng, cán bộ địa phương, chị đã mạnh dạn làm đơn báo cáo về tình trạng bị bạo hành của mình vào tháng 10.2013. Không lâu sau buổi làm việc với cán bộ địa phương, chồng chị đã thay đổi. “Anh giảm nhậu dần dần, làm lành với vợ, quan tâm hơn đến con cái. Hai đứa con trai lúc trước hay chán nản cảnh nhà, thường xuyên la cà với bạn bè, quán internet, nay nhận thấy thay đổi của cha mà hiền lành hơn, chịu nghe lời cha mẹ hơn”, chị Mười cho biết thêm.
Căn bếp của nhà anh Hòa, chị Mười nay đã đầm ấm hơn bởi những thay đổi tích cực của người chồng đối với vợ con.
Nói về những thay đổi của mình vừa qua, chồng chị, anh Lê Văn Hòa, 41 tuổi, có chút ngập ngừng. Anh tâm sự: “Rượu bia nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe là không ai muốn. Khi buồn bực, lúc có mâu thuẫn với vợ và quan hệ với mọi người tôi hay tìm đến rượu bia. Cũng biết là nó ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khiến mình không kiểm soát được bản thân dẫn đến bạo lực với vợ con làm sứt mẻ hạnh phúc gia đình nhưng rồi lại không thể ngăn mình lại. Được sự quan tâm của chính quyền, tôi dần hiểu ra và kiên quyết thay đổi chính mình”.
Tập trung vào chống bạo hành gia đình
Mô hình ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới tại xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước là một hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án 4 của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015. Mục tiêu của Dự án giúp người dân được tiếp cận với các hoạt động can thiệp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực cơ sở giới tại cộng đồng như: câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; tổ phòng chống bạo lực; “địa chỉ tin cậy”, nhà tạm lánh cộng đồng...
“Hơn một năm qua, nhờ vào sự hoạt động tích cực của các câu lạc bộ ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; tổ phòng chống bạo lực; tuyên truyền bằng tài liệu... mà nhận thức của người dân và đội ngũ cán bộ cơ sở tại địa phương đã có nhiều thay đổi. Cùng với đó, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn đã giảm đi. Và tín hiệu vui nhất là những chuyển biến tích cực trong nhiều gia đình từng diễn ra bạo lực giới. Họ đã hòa thuận, chí thú làm ăn, xây dựng hạnh phúc gia đình”, ông Tôn Kỳ Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, cho biết.
Là nơi để xây dựng mô hình điểm về ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới, qua một năm triển khai, đội ngũ lãnh đạo địa phương đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm sâu sắc. Bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn đáng nói nhất vẫn là bạo lực gia đình. Bởi vậy, địa phương xác định tập trung tác động mạnh vào các đối tượng có hành vi bạo hành gia đình. Những chuyển biến trong các trường hợp này sẽ trở thành tư liệu quý giá để cán bộ Phước Sơn làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền. Ngoài ra, thông qua các ngành các đoàn thể, xã Phước Sơn hỗ trợ các gia đình có bạo lực về giới kinh nghiệm, kiến thức khoa học kỹ thuật, vốn để họ chí thú làm ăn, hạn chế các xích mích do hoàn cảnh túng quẫn.
Mới đây, trong đợt làm việc với Ban chỉ đạo Mô hình ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới xã Phước Sơn, ông Nguyễn Mỹ Quang, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đánh giá cao những kết quả đã đạt được. Ông Quang đề nghị, thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh nâng cao nhận thức về bình đẳng giới trong nhân dân; duy trì có hiệu quả các câu lạc bộ và tổ hòa giải. Đặc biệt, các tổ hòa giải cần phải sâu sát hơn và tiếp cận nhanh với các trường hợp bạo lực về giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng. Các hình thức xử phạt cũng cần “nặng tay” hơn để mang ý nghĩa răn đe.
HÀ THANH
Năm 2013, UBND xã Phước Sơn cũng đã tổ chức 20 buổi tuyên truyền về các pháp luật liên quan đến bình đẳng giới, chống bạo lực gia đình; thành lập 10 CLB ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới và 10 Tổ phòng, chống bạo lực tại mỗi thôn; thành lập và công bố đường dây nóng (4 số điện thoại)... Trong năm 2013, Tổ phòng, chống bạo lực đã xử lý và hòa giải thành công 6 trường hợp và đến nay không tái diễn bạo hành gia đình.