“Áo giáp” gia đình
Ngày 22.7, luật pháp đã thi hành án tử đối với tử tù Nguyễn Đức Nghĩa - tên tội phạm “đồ tể” đã gây ra tội ác kinh hoàng với chính người yêu cũ của mình. Những ngày này, trên các báo, mạng xã hội, vụ án được nhắc lại như khắc sâu sự cảnh tỉnh.
Trong vụ án Nguyễn Đức Nghĩa, cả thủ phạm, nạn nhân, người che giấu tội phạm đều là sinh viên, được xem là những trí thức trẻ. Tội ác và cả bi kịch mà họ gây ra, gặp phải khiến gia đình họ và xã hội bàng hoàng. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng từ trong lối sống, mối quan hệ xã hội phức tạp của 3 đối tượng trên đã có những biểu hiện lệch lạc và ẩn chứa nguy cơ tai họa mà gia đình đã vô tâm bỏ qua hoặc bất lực, không thể giáo dục? Cha mẹ thủ phạm liệu có biết con trai họ là người nghiện game online hơn lên giảng đường, là khách quen của các tiệm cầm đồ, về đời sống tình cảm cá nhân thì có lắm bạn tình? Cô gái đáng thương bị sát hại dã man, sao có thể sống buông thả, mù quáng đến mức đi gặp người yêu cũ và ân ái trong chính ngôi nhà của người yêu hiện tại của anh ta? Rồi cô người yêu hiện tại của thủ phạm, cô nghĩ gì khi mình vừa vắng nhà, người yêu đã hẹn hò, mặn nồng với người phụ nữ khác trong nhà của mình, biết anh ta xuống tay tàn độc với một người cũng thân phận người tình như mình mà lại đi quanh co, bao che cho tội ác?
Ở đâu đó, rất thường xuyên, chúng ta vẫn nghe về những vụ án nhức nhối, thương tâm mà nạn nhân hoặc thủ phạm, thậm chí cả hai, là thanh thiếu niên. Khi con cái ham chơi, lêu lỏng, cha mẹ không kịp thời uốn nắn càng tạo điều kiện cho con hư hỏng, sa ngã. Nhiều vụ xâm hại tình dục ở các bé gái có nguyên nhân từ việc cha mẹ đi làm ăn xa vắng nhà hoặc thiếu sự quan tâm, gần gũi, chăm sóc con đúng mức. Cá biệt, có một số trường hợp các bé gái bị xâm hại tình dục hoặc những nữ sinh cấp II, III “lỡ dại” với bạn trai dẫn đến có thai, đến khi thai lớn mà gia đình vẫn không hay biết …
Có một thực tế là, ngày nay, ở không ít gia đình, vị trí cha mẹ là chỗ dựa an toàn nhất trong lòng con cái có phần lung lay, giảm sút. Mối quan hệ trong gia đình giữa các thành viên, đặc biệt là giữa cha mẹ và con cái như có khoảng cách. Nguyên nhân tạo ra khoảng cách ấy có thể xuất phát từ cả hai phía. Trong khi đó, gia đình luôn được xem là tấm lá chắn, là “áo giáp” bảo vệ con trước những tác động tiêu cực của xã hội. Chiếc áo giáp vô hình đặc biệt ấy được đan kết bằng đường kim mũi chỉ của tình thương, tinh thần trách nhiệm, sự quan tâm, gắn bó, giáo dục, nêu gương… trong gia đình.
Khi có một vụ án mà thủ phạm hay nạn nhân là những người con, có lẽ cha mẹ, những người thân khác trong gia đình của họ là những người đau đớn nhất. Họ không thể ngờ, chẳng dám tin, không chấp nhận nổi thực tế đau xót là con em mình lại là người phạm tội hay là người bị hại. Nhưng, cũng chính họ là người sớm nhất, gần nhất có thể phần nào nhận biết, phòng tránh, ngăn chặn tai họa. Bởi, gia đình luôn là môi trường giáo dục đầu tiên của con người. Mỗi gia đình, đừng quên trang bị cho con em mình một “áo giáp” thật chắc…
KHẢI THƯ