Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn: Một biểu tượng dung hợp văn hóa tín ngưỡng
Sáng nay (19.2.2023 nhằm ngày 29 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Di tích Chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang (huyện Tuy Phước) sẽ diễn ra Lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn - được tổ chức tại chùa Bà, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước - là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô lớn và ra đời rất sớm ở Bình Định, từ cách đây khoảng 400 năm.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn (ở xã Phước Quang, huyện Tuy Phước). Ảnh: NGUYỄN VĂN NGỌC
1. Theo dòng lịch sử, người Việt đã đến Nước Mặn, sống cộng cư với người Champa bản địa đã lâu. Đến đầu thế kỷ XVII, người Hoa từ Quảng Đông, Phúc Kiến di cư đến đây lập nghiệp. Khi đó, khu vực thôn An Hòa ngày nay là nơi tọa lạc cảng thị Nước Mặn nổi tiếng sầm uất. Người Hoa mở phố buôn bán cùng cư dân địa phương, cùng với các hình thức tín ngưỡng, người Hoa đã lập thêm chùa Ông (Quan Thánh đế miếu) và chùa Bà (Thiên Hậu miếu) để thờ cúng. Chùa Bà là nơi thờ Thiên hậu thánh mẫu - một nhân vật huyền thoại, thường cứu vớt tàu thuyền gặp nạn.
Lễ hội ra đời, đánh dấu vùng đất biên viễn Đại Việt bước vào thời kỳ phồn thịnh, đồng thời, thể hiện tinh thần dung hợp văn hóa đa dân tộc. Tại chùa Bà, nhân dân thờ phụng có 3 vị thần. Thiên Hậu Thánh Mẫu được suy tôn như một phụ nữ đức hạnh, có lòng hiếu thảo, đức hy sinh và lòng nhân ái xả thân vì mọi người. Bà chúa Thai sanh bảo sản là hiện thân của ước vọng sinh sôi, duy trì nòi giống. Tượng Thành Hoàng được thờ bên trái chính điện, là biểu tượng hóa của lòng biết ơn tổ tiên tạo lập cơ nghiệp, ước vọng bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Có thể thấy, các vị thần trong tín ngưỡng Việt - Hoa được thờ chung trong cùng một ngôi chùa nói lên tinh thần dung hợp văn hóa - tín ngưỡng của cộng đồng dân cư địa phương, biểu thị tinh thần đoàn kết cộng đồng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân, mặc dù các vị thần có nguồn gốc từ người Hoa nhưng chịu sự cai quản của Thành Hoàng bản xứ. Điều đó chứng tỏ xu hướng chủ đạo của văn hóa Việt và xu hướng này tạo ra bản sắc Việt trong sinh hoạt tín ngưỡng - lễ hội của cộng đồng.
2. Ngày nay, dù cảng thị đã suy tàn, nhưng Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn vẫn tồn tại như một biểu hiện văn hóa địa phương, được tổ chức hằng năm vào các ngày mùng 1, 2 và 3.2 âm lịch, mang đậm bản sắc văn hóa bản địa; thu hút người dân không những trong huyện, trong tỉnh, mà còn ở các tỉnh khác đến tham dự.
Điểm đặc biệt của lễ hội này so với nhiều lễ hội trong nước là người dân địa phương thắp đèn lồng vào các ngày lễ, nhiều nhà chuẩn bị đồ ăn, thức uống trong nhà để sẵn sàng chào đón, chia sẻ với khách thập phương đến với Lễ hội và xem đây như cái tết quan trọng thứ hai trong năm, chỉ sau tết Nguyên đán.
Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn năm nay được dự báo sẽ vui tươi, rộn ràng hơn mọi năm bởi Lễ công bố quyết định và đón bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho địa phương trong việc duy trì, thực hành một sự kiện văn hóa có giá trị lớn, góp phần làm đa dạng, đẹp thêm văn hóa Việt Nam.
Lễ hội năm nay được tổ chức với quy mô lớn. Sau phần lễ, phần hội có nhiều hoạt động hấp dẫn như biểu diễn múa lân, múa đèn, biểu diễn tuồng, mở hội bài chòi dân gian; thi đấu bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ; thi các trò chơi dân gian như: Đập ấm, bịt mắt bắt vịt, biểu diễn võ cổ truyền.
Theo ông Nguyễn Văn Chín, Trưởng Ban quản lý di tích chùa Bà, hơn một tháng nay, Ban đã khẩn trương triển khai nhiều phần việc như chuẩn bị các đoàn rước biểu trưng và rước sắc từ chùa Ông và các miếu bà Mụ, ông Cọp, bà Hỏa; bố trí các đoàn múa lân, võ thuật biểu diễn phục vụ; chuẩn bị 200 đèn lồng trang trí khuôn viên chùa vào ban đêm và treo cờ hội trên đường từ cầu Ngói đến chùa; một lượng lớn thực phẩm, nước uống đã được chuẩn bị sẵn phục vụ bà con trong những ngày hội.
NGÔ HỒNG SƠN