Nguy cơ gia tăng bệnh tiểu đường sau đại dịch Covid-19
Theo trang CBS News, một nghiên cứu mới đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về biến chứng sức khỏe tiềm ẩn đối với những người từng mắc Covid-19.
Tiểu đường loại 2 có thể gây ra nhiều biến chứng ảnh hưởng đến tim mạch và thận. Ảnh: Novant Health
Ban đầu, nhiều người cho rằng Covid-19 là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nguy hiểm, dễ lây lan và chỉ ảnh hưởng đến phổi. Tuy nhiên, cứ sau 3-6 tháng, những phát hiện mới đang chứng minh Covid-19 cũng ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể.
Tiến sĩ tim mạch Alan Kwan - tác giả chính của nghiên cứu - cho biết ông đã xem xét hồ sơ bệnh án của hơn 23.000 người trưởng thành từng mắc Covid-19 ít nhất một lần.
Ông phát hiện ra sau khi mắc Covid-19, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 đối với cả bệnh nhân tiêm và chưa tiêm phòng là 2,1%. Tiến sĩ Kwan chưa biết lý do chính xác, nhưng nhóm nghiên cứu của ông đang tập trung vào tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng mà Covid-19 gây ra.
Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêm chủng dường như làm giảm nguy cơ mắc tiểu đường. Đa phần những người đã tiêm phòng Covid-19 không có nguy cơ gia tăng, trong khi những người chưa được tiêm chủng có tỷ lệ chẩn đoán bệnh tiểu đường mới cao hơn.
"Cách tốt nhất để giảm tỷ lệ mắc tiểu đường này là không bị mắc Covid-19", ông Jerry Abraham, tiến sĩ đang công tác ở phía nam Los Angeles, khẳng định.
Theo ông Abraham, đây là điều đáng báo động đối với nước Mỹ. Vì cứ 10 người thì có một người mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt ở các cộng đồng người da đen và Latin phía nam Los Angeles - nơi có tỷ lệ béo phì, bệnh tim và tiểu đường cao hơn những khu vực khác.
Khi California cũng như nước Mỹ chuẩn bị chính thức tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về Covid-19, tiến sĩ Abraham vẫn ở Washington D.C., đề xuất Quốc hội tiếp tục tài trợ cho các phòng khám tiêm chủng, xét nghiệm và điều trị, từ đó, giúp những nghiên cứu như thế này tìm ra thêm nhiều tác động lâu dài của Covid-19.
Theo Minh Uyên (Zing.vn)