Cảnh giác với bệnh sốt xuất huyết Dengue
Bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH) lây từ người bệnh sang người lành qua trung gian muỗi vằn. Thời tiết nắng xen lẫn các đợt mưa bất chợt, thuận lợi cho sự phát sinh lăng quăng, muỗi, tăng nguy cơ lây lan bệnh SXH. Do đó, số ca mắc SXH có khả năng tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới nếu không thực hiện các biện pháp phòng ngừa.
Muỗi truyền bệnh có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn.Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối, thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà, trên quần áo đặc biệt quần áo có mùi mồ hôi, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà. Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao, vũng nước hoặc các dụng cụ chứa nước sạch ở trong và xung quanh nhà như bể nước, chum, vại, xô, chậu, giếng nước, hốc cây, hòn non bộ... các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát nước kê chạn, lốp xe, vỏ dừa, vỏ sữa chua, máng thoát nước mưa bị tắc... phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình hằng tháng vượt trên 200C.
Giai đoạn 1 của bệnh SXH, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt vi rút thông thường, đó là biểu hiện sốt cao (39 - 400C), đột ngột trong 1 hoặc 2 ngày đầu, sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2, tức từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi bị sốt, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy như xuất huyết dưới da (ở mặt trước hai cẳng chân, mặt trong của cánh tay, bụng, đùi), chảy máu cam, chảy máu chân răng, thậm chí xuất huyết nội tạng (xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết tiết niệu, rối loạn kinh nguyệt ở nữ giới…). Sau đó, bệnh chuyển sang giai đoạn 3, đó là giai đoạn hồi phục (người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường). Tuy vậy trong nhiều trường hợp các giai đoạn có thể xuất hiện biến chứng, diễn tiến rất khó lường, nguy hiểm.
Hiện nay, chưa có thuốc đặc trị cũng như chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh SXH hiệu quả. Cách tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng bệnh nhằm tránh bị mắc bệnh như dẹp nhà cửa gọn gàng, thông thoáng, không để bụi rậm quanh nhà. Sử dụng vợt diệt muỗi, bình xịt muỗi, đốt nhang muỗi. Mở cửa cho các nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi bên trong nhà khi có dịch bệnh. Không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng. Cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng hằng ngày.Súc rửa hồ, lu, xô chứa nước trước khi thay nước mới. Lật úp các xô, chậu,… khi không dùng đến.Dọn dẹp vật phế thải và nơi đọng nước quanh nhà. Thả cá bảy màu vào dụng cụ chứa nước lớn như hồ nuôi cá cảnh. Ngủ mùng kể cả ban ngày. Không ngồi chỗ tối lờ mờ. Mặc quần dài, áo tay dài, mang vớ. Dùng kem thoa xua muỗi. Khi có biểu hiện sốt cao đột ngột, nhức đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn, nôn,… đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám chẩn đoán bệnh.
THU PHƯƠNG (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)