Nên hạn chế bia rượu, nhưng…
Bộ Y tế vừa đưa ra dự thảo Luật Phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia, trong đó có quy định cấm bán rượu bia từ sau 22 giờ hôm nay đến 6 giờ ngày hôm sau. Ngay sau khi dự thảo được công bố, dư luận báo chí và xã hội đã làm dấy lên những tranh luận gay gắt giữa hai luồng ý kiến đồng tình và phản đối. Âu đó cũng là chuyện thường tình đối với một vấn đề có tác động rộng rãi đến nhiều người, nhiều giới như… bia rượu.
Có thể nói, bia rượu đã là một phần trong đời sống xã hội, nhất là trong các dịp tiệc tùng, đình đám hay lễ tết thì dường như không thể thiếu. Tuy nhiên, trong rất nhiều trường hợp bị lạm dụng quá mức thì bia rượu cũng là “thủ phạm” phá hoại hạnh phúc của nhiều gia đình, gây ảnh hưởng xấu cho đời sống xã hội. Trong các dịp lễ tết, là thời điểm sử dụng bia rượu nhiều thì cũng là lúc phòng cấp cứu của các bệnh viện phải tiếp nhận số ca cấp cứu do tai nạn giao thông, đâm chém nhau gấp bội so với thường ngày, mà đại đa số có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhậu nhẹt, bia rượu.
Hậu quả của những vụ việc trên là nhiều gia đình mất người thân hoặc tan vỡ, nhiều đứa trẻ mất nơi nương tựa, nhiều người đang là trụ cột của gia đình bỗng chốc trở thành gánh nặng cho những người còn lại. Vì vậy, chủ trương hạn chế tác hại của bia rượu đối với đời sống cộng động và xã hội là cần thiết.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây là lĩnh vực đang có rất nhiều vấn đề trong một mối quan hệ rất phức tạp. trước hết, nói về sản xuất thì đây là ngành có tốc độ phát triển rất nhanh, thu hút nhiều vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Hiện chỉ tính sơ sơ sản xuất bia trong nước đã ngót nghét 2 tỷ lít/năm, chưa kể số lượng nhập khẩu hàng trăm triệu lít nữa. Sản xuất rượu cũng đủ dạng, đủ quy mô từ gia đình tới công nghiệp, từ rượu đế đến rượu cao cấp hàng triệu lít mỗi năm. Với một lượng lớn bia rượu được sản xuất lớn như thế thì lượng tiêu thụ trong nước cũng tương ứng. Chỉ riêng số liệu được công bố nước ta tiêu thụ 3 tỷ lít bia mỗi năm, thuộc vào hàng “nhất quả đất” cho thấy mức độ tiêu thụ đồ uống có cồn của dân ta là “khủng” như thế nào.
Vì vậy, việc có một quy định sẽ ảnh hưởng đến cả người sản xuất, kinh doanh và người tiêu thụ có số lượng rất đông thì việc có nhiếu ý kiến phản ứng là điều dễ hiểu. Ở đây chưa đề cập đến các yếu tố khác như những ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu ngân sách, đầu ra cho những sản phẩm mà các nhà máy, các cơ sở sản xuất bia rượu đang mọc lên như nấm ở trong nước ta, bài toán công ăn việc làm… thì chỉ riêng vấn đề bảo đảm hiệu lực của các qui định trong thực tế đời sống đã là vấn đề cần tính toán để tránh “vết xe đổ” là “cấm cũng như không” như chuyện cấm hút thuốc lá, hạn chế xe gắn máy, mũ bảo hiểm “dỏm”… đã từng xảy ra và vẫn là chuyện… “nhãn tiền”.
Về phương diện xã hội, để các điều luật hoặc bất cứ một quy định nào của pháp luật vào cuộc sống thì sự cần thiết, tính hợp lý là điều cần phải xem xét thấu đáo trước khi chính thức ban hành. Tất nhiên chuyện bia rượu cũng không thể khác, nếu chúng ta chỉ nặng về các biện pháp hành chính, qui định để cho có mà thiếu các biện pháp thực hiện cụ thể và khả thi, thì các biện pháp hành chính ngày càng mất đi tác dụng, dẫn đến tâm lý khinh nhờn luật pháp rất tai hại.
Vì vậy, để hạn chế tác hại của bia rượu thì cần có những giải pháp căn cơ, mạnh mẽ và có tác động mạnh hơn để hạn chế tệ nạn nhậu nhẹt, lạm dụng bia rượu như tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng bia rượu, qui định độ tuổi được mua và sử dụng và có chế tài xử nghiêm các vi phạm, như nhiều nước khác đã làm và làm được, hơn là việc qui định cấm bán bia rượu sau 22 giờ, vừa rất không khả thi mà còn có thể tạo thêm kẽ hở cho các tiêu cực khác nảy sinh.
H.Đ