“Chuẩn hóa” quy trình sản xuất nông sản: Nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ
Năm 2023, ngành nông nghiệp lựa chọn 4 mặt hàng nông sản gồm ớt tươi, dưa hấu, xoài và bưởi da xanh để thí điểm “chuẩn hóa” quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến tới việc mở rộng thị trường tiêu thụ và xa hơn đặt mục tiêu xuất khẩu chính ngạch ra nước ngoài.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Chi cục TT&BVTV, Sở NN&PTNT), hiện Chi cục đang phối hợp với các địa phương rà soát, lựa chọn các vùng đủ điều kiện, các mô hình, dự án để triển khai thực hiện thí điểm việc “chuẩn hóa” quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm. “Chuẩn hóa” theo ngành nông nghiệp là áp dụng tiêu chuẩn VietGAP và hữu cơ đối với các sản phẩm trồng trọt, từ đó từng bước chuyển đổi thành các vùng nguyên liệu đáp ứng quy mô sản xuất hàng hóa; tổ chức sản xuất theo chuỗi để đảm bảo được quy trình canh tác hợp chuẩn, giám sát chéo và đánh giá các tiêu chí về chất lượng sản phẩm khi thu hoạch; các vùng canh tác tập trung đủ diện tích và được cấp mã số vùng trồng, cấp mã số các cơ sở đóng gói và được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý…
Hiện nay, Chi cục TT&BVTV đang phối hợp với các địa phương có diện tích trồng ớt lớn để xây dựng vùng sản xuất áp dụng tiêu chuẩn chất lượng VietGAP. Ảnh: THU DỊU
Trước mắt, ngành nông nghiệp thí điểm chọn 4 sản phẩm là ớt, dưa hấu, bưởi da xanh và xoài để triển khai thực hiện. Cụ thể với cây ớt, qua rà soát tính toán, toàn tỉnh xây dựng vùng trồng tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng với tổng diện tích 332 ha, trong đó huyện Phù Cát 105 ha; huyện Tây Sơn 97 ha; huyện Phù Mỹ 83 ha, Vĩnh Thạnh 47 ha. Đối với cây dưa hấu, qua rà soát, diện tích trồng dưa hấu của tỉnh rất lớn, nhưng không ổn định. Trước mắt, ngành nông nghiệp thống kê xây dựng vùng trồng tập trung khoảng 86 ha, trong đó ở Phù Cát 35 ha, Tây Sơn 30 ha, Vĩnh Thạnh 16 ha, Hoài Ân 5 ha, và tiếp tục duy trì mã số vùng trồng dưa hấu đã được cấp ở xã Hoài Châu Bắc (Hoài Nhơn) là 38 ha. Với 2 mặt hàng này, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Hiện, Chi cục đang phối hợp với các địa phương thống kê toàn bộ diện tích, rà soát, xây dựng kế hoạch chuyển đổi sản xuất phù hợp, tiến tới cấp mã số vùng trồng, đề xuất cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu chính ngạch.
Ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV, cho biết: Việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói là một trong những khâu để phục vụ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nước ngoài. Vấn đề then chốt vẫn là tổ chức sản xuất và áp dụng đúng các tiêu chuẩn trong canh tác và đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm công bố, đồng thời các tiêu chuẩn, quy chuẩn này phải phù hợp với thị trường mà chúng ta hướng đến. Do vậy, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, của Sở NN&PTNT, Chi cục với các địa phương gấp rút hoàn thiện kế hoạch, triển khai từng bước thận trọng và chắc chắn.
Bưởi da xanh và xoài là 2 nhóm cây ăn trái được xác định là chủ lực của tỉnh Bình Định. Hiện nay, cả về quy mô sản xuất và chất lượng sản phẩm đều từng bước đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP và hữu cơ. Với cây bưởi, hiện toàn tỉnh có vùng trồng tập trung khoảng 60 ha ở huyện Hoài Ân, trong đó có 42,4 ha đã được chứng nhận hợp chuẩn VietGAP; 2,4 ha được chứng nhận hợp chuẩn hữu cơ. Chi cục TT&BVTV đang triển khai các bước hướng dẫn cấp mã số vùng trồng cho diện tích 42,4 ha bưởi hợp chuẩn VietGAP của Hoài Ân. Đây là cơ sở để địa phương tiến tới việc mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với vùng trồng xoài hiện có 130 ha ở Phù Cát, trong đó có 40 ha được chứng nhận hợp chuẩn VietGAP. Theo ông Lam, với 2 loại cây trồng là bưởi và xoài, Chi cục hướng dẫn cấp mã số vùng trồng cho những vùng diện tích canh tác đã được chứng nhận hợp chuẩn VietGAP, hữu cơ; đồng thời phối hợp với chính quyền các địa phương, trung tâm dịch vụ nông nghiệp hướng dẫn việc mở rộng diện tích sản xuất và áp dụng các quy trình, kỹ thuật canh tác đã được hướng dẫn. Với những vùng diện tích đang trong rà soát và quy hoạch sẽ tổ chức sản xuất tập trung gắn với liên kết các chuỗi, áp dụng một quy trình canh tác thống nhất, hướng dẫn việc xử lý đất, nước, phân tích các mẫu để tiến hành chứng nhận, sau đó là cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
“Để “chuẩn hóa” từ quy trình sản xuất tới chất lượng sản phẩm, nói thì ngắn gọn nhưng khi bắt tay thực hiện phải hết sức cẩn trọng và thực hiện bài bản, tuân thủ các quy định. Toàn bộ các vùng mà chúng ta thí điểm việc “chuẩn hóa” này phải có đánh giá bài bản các thông tin, đánh giá qua từng giai đoạn nhằm ổn định duy trì bền vững. Ở giai đoạn này, phía Chi cục khẩn trương xây dựng kế hoạch, ngồi lại với các địa phương có sự lựa chọn và triển khai phù hợp nhất” - ông Lam nói thêm.
THU DỊU