Khó khăn, bất cập trong quản lý trật tự xây dựng
Đô thị hóa nhanh, áp lực lớn về nhu cầu xây dựng trong đó có xây dựng nhà ở làm bộc lộ những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Tình trạng lấn chiếm đất công, xây nhà trái phép diễn ra nổi cộm ở nhiều địa bàn như Khu kinh tế Nhơn Hội, dọc tuyến QL 1D, đường ven biển…
Diễn biến phức tạp, nhiều “điểm nóng”
Gần đây phường Ghềnh Ráng trở thành “điểm nóng” về tình trạng xây dựng không phép của TP Quy Nhơn, với nhiều công trình, nhà ở, hàng quán, điểm du lịch… vi phạm, nhất là dọc tuyến QL 1D. Ngành chức năng đã xác định 47 trường hợp sử dụng đất có vi phạm, lấn chiếm đất, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng công trình, vật kiến trúc trái phép trên tuyến QL 1D, tập trung chủ yếu ở các khu phố 1, 2, 3. Từ tháng 11 - 12.2022, TP Quy Nhơn tổ chức nhiều đợt xử lý, cưỡng chế tháo dỡ công trình không phép; đồng thời, lãnh đạo thành phố phê bình lãnh đạo Đảng ủy, UBND phường Ghềnh Ráng trong công tác quản lý đất đai, xây dựng; xác định trách nhiệm các lực lượng liên quan.
Lực lượng chức năng TP Quy Nhơn xử lý cưỡng chế trường hợp lấn, chiếm đất đai, xây dựng trái phép dọc QL 1D. Ảnh: M.H
Vấn đề trên chưa “hạ nhiệt” thì đến tháng 2.2023, phường Ghềnh Ráng tiếp tục “nóng” khi có khoảng 30 trường hợp xây dựng trái phép tại thung lũng Quy Hòa. UBND TP Quy Nhơn đã yêu cầu UBND phường Ghềnh Ráng chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, thống kê cụ thể đối với trường hợp mua bán đất rừng, xây dựng công trình nhà tạm, nhà ở trên đất lâm nghiệp đối với các trường hợp vi phạm. Đồng thời, giao Phòng TN&MT thành phố kiểm tra, theo dõi, đôn đốc UBND phường Ghềnh Ráng xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
Theo Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Ngô Hoàng Nam, năm 2022 thành phố kiểm tra 1.532 trường hợp trên lĩnh vực đất đai, xây dựng, phát hiện và xử lý 567 trường hợp vi phạm. Trong đó, cấp thành phố xử lý 249 trường hợp (giảm 7,43% so với cùng kỳ năm trước); cấp phường, xã xử lý 318 trường hợp (tăng 32,87%). Tình trạng xây dựng nhà trái phép còn diễn ra phức tạp, tập trung ở các phường, xã có đất lâm nghiệp, nông nghiệp như Nhơn Phú, Nhơn Bình, Quang Trung, Ghềnh Ráng, Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu, Nhơn Hải...
UBND phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) cưỡng chế công trình xây dựng trái phép tại thung lũng Quy Hòa trong tháng 2.2023. Ảnh: HOÀI LUÂN
Tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép cũng diễn biến phức tạp tại Khu kinh tế Nhơn Hội. Hiện còn 45 trường hợp vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, gồm: Xã Cát Chánh (Phù Cát) 22 trường hợp, thị trấn Cát Tiến (Phù Cát) 18 trường hợp, xã Phước Hòa (Tuy Phước) 4 trường hợp, xã Nhơn Hội (Quy Nhơn) 1 trường hợp.
Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đặng Vĩnh Sơn đề cập đến một trong những khó khăn trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn là hạn chế từ công tác phối hợp, công tác quản lý. UBND cấp xã không có cán bộ chuyên môn làm công tác quản lý trật tự xây dựng, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm Địa chính - Xây dựng, trong khi UBND cấp huyện cũng không có đội quản lý trật tự xây dựng. Việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự xây dựng của một số bộ phận, địa phương, cá nhân được giao nhiệm vụ theo phân cấp còn thiếu tính chủ động, chưa thường xuyên. Một số chính quyền địa phương chưa thật sự quyết liệt trong xử lý vi phạm về trật tự xây dựng dẫn đến tình trạng tồn đọng vi phạm chưa xử lý dứt điểm…
Kiến nghị bố trí lực lượng quản lý trật tự xây dựng cấp huyện, xã
Qua rà soát sơ bộ của huyện Phù Cát, có gần 100 trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng không phép. Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Hưng thẳng thắn thừa nhận việc để xảy ra trong thời gian dài tình trạng xây dựng các công trình trái phép có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương.
Ông Hưng cho hay, để khắc phục những hạn chếtrên, cần tăng cường nhận thức của cán bộ và nhân dân về ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, quy hoạch, đô thị. Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý trật tự xây dựng từ huyện đến xã, thị trấn. Tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo và nâng cao trách nhiệm các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo quá trình đầu tư xây dựng công trình, nhà ở dân cư đúng quy hoạch. Cấp ủy, chính quyền các cấp xác định công tác quản lý trật tự xây dựng là nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện thường xuyên, liên tục; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt, kịp thời và thực sự có hiệu quả lâu dài bằng các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế, yếu kém trong thời gian qua…
Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đặng Thành Trưng, công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh được phân công, phân cấp cụ thể từ Sở Xây dựng, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện theo Quyết định 73/2021/QĐ-UBND ngày 6.12.2021 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn gặp khó khăn, bất cập.
Đó là phần lớn UBND cấp huyện không có đội quản lý trật tự xây dựng; UBND cấp xã chưa quan tâm, bố trí công chức chuyên trách thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng. “Sở Xây dựng đã kiến nghị UBND tỉnh quan tâm xem xét bố trí thêm công chức cho UBND cấp huyện, cấp xã làm công tác quản lý trật tự xây dựng”, ông Trưng cho hay.
Bên cạnh đó, một số trường hợp sai phạm phát hiện chậm dẫn đến các công trình vi phạm đã thi công có khối lượng xây lắp tương đối lớn, gây khó khăn cho công tác tổ chức khắc phục hậu quả. Việc theo dõi, đôn đốc thi hành quyết định xử phạt chưa thường xuyên dẫn đến nhiều trường hợp vi phạm vẫn còn tồn tại, chưa giải quyết triệt để.
Mặc dù công tác chủ động phối hợp của các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng việc xử lý các sai phạm theo cơ chế phối hợp kéo dài thời gian. Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm chưa quyết liệt và không thể thực hiện cho một số đơn vị (ví dụ như Thanh tra Sở Xây dựng) nên dù đã được hướng dẫn, chấn chỉnh, nhắc nhở, chủ đầu tư vẫn cố tình vi phạm, dẫn đến trường hợp khi bị xử phạt chỉ tuân thủ nộp tiền, nhưng không thực hiện phá dỡ công trình vi phạm…
MAI HOÀNG