PHÁT TRIỂN HTX ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO GẮN VỚI TIÊU THỤ SẢN PHẨM:
Tạo ra được nhiều sản phẩm chất lượng vượt trội
Nhằm phát huy lợi thế trong việc tạo dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm, ngành nông nghiệp chú trọng đầu tư, hỗ trợ các HTX phát triển trong lĩnh vực này. Toàn tỉnh hiện có 19 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, được công nhận là sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc trưng địa phương.
Năm 2022, toàn tỉnh có 187 HTXNN, trong đó có 72 HTX hoạt động lĩnh vực trồng trọt, 8 HTX chăn nuôi, 4 HTX thủy sản, 1 HTX lâm nghiệp, số còn lại là các HTX hoạt động dịch vụ thương mại tổng hợp. Có 57 HTXNN thực hiện liên kết và tiêu thụ nông sản cho các thành viên; 19 HTXNN ứng dụng công nghệ cao vào sản phẩm và 15 HTXNN có sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3 sao trở lên.
Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, HTX có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tập thể ở khu vực nông thôn, là mắt xích quan trọng thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trên cơ sở đó, những năm qua thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, của Sở NN&PTNT, Chi cục Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị liên quan tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ thúc đẩy thành lập các HTX mới, hỗ trợ các HTX đầu tư máy móc, thiết bị và công nghệ trong phát triển. Đến nay, các HTXNN ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh Bình Định chủ yếu là các HTXNN chuyên trong lĩnh vực trồng trọt.
HTXNN Nhơn Thọ 2 ứng dụng KHKT, công nghệ vào xây dựng mô hình sản xuất dưa trên giá thể hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: PHẠM TÂN
Nhờ áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, các HTX tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng vượt trội, giá bán cao hơn 10 - 25% so với thông thường, lợi nhuận tăng 1,5 lần so với sản xuất theo cách cũ. Nói về điều này, ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN Nhơn Thọ 2 (xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn), cho hay, qua việc tiếp cận và triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất dưa lưới bằng giá thể hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm rau dưa của HTX đã được người tiêu dùng đón nhận; rau dưa hợp chuẩn VietGAP của HTXNN Nhơn Thọ 2 được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Đến nay, HTX mở rộng quy mô sản xuất rau màu, tăng lợi nhuận cho các thành viên của HTX.
Tương tự, theo ông Trần Đình Thọ, Giám đốc HTXNN Thượng Giang (xã Tây Giang, huyện Tây Sơn), việc áp dụng công nghệ vào sản xuất thâm canh cây đậu phụng giúp thành viên HTX xây dựng và duy trì vùng nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn, cung cấp nguyên liệu cho HTX chế biến sản phẩm dầu phụng. Năm 2022, sản phẩm dầu phụng của HTXNN Thượng Giang được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh hạng 3 sao. Đây cũng là một trong những bước đi đầu tiên để HTX mở rộng quy mô, tăng diện tích sản xuất và tiếp thị sản phẩm ở nhiều kênh, nhằm đem lại lợi nhuận cho cả HTX và thành viên. Với việc đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, áp dụng quy trình canh tác hợp chuẩn VietGAP, sử dụng các giống đậu phụng mới, chất lượng cao giúp cho thành viên của HTX chuyển đổi thành công các diện tích cây trồng cạn kém hiệu quả sang trồng đậu phụng, mang lại thu nhập khá.
Từ việc đầu tư công nghệ, xây dựng vùng nguyên liệu và áp dụng quy trình canh tác đảm bảo, HTXNN Thượng Giang chế biến dầu phụng được chứng nhận sản phẩm OCOP tỉnh Bình Định hạng 3 sao năm 2022. Ảnh: THU DỊU
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Ân, Trưởng Phòng Kinh tế hợp tác và ngành nghề nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn), ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất của HTX là hướng đi tất yếu để đổi mới và phát triển. Những kết quả mà các HTX đã đạt được cho thấy việc đẩy mạnh áp dụng KHKT, công nghệ vào sản xuất kinh doanh đã tạo ra nhiều lợi ích lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên, nâng cao hiệu quả hoạt động cho các HTX, góp phần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cung ứng sản phẩm ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, thực tế triển khai cho thấy để tiếp cận công nghệ cao, các HTX phải thay đổi cách thức hoạt động, nâng cao trình độ chuyên môn cho nhân sự của HTX, mặt khác các HTX cần được hỗ trợ rất nhiều về vốn - đây là khó khăn chung trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao cho HTX.
Từ thực tế đó, thời gian tới Chi cục Phát triển nông thôn tiếp tục triển khai nhiều giải pháp, lồng ghép các chương trình nhằm hỗ trợ các HTX ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp và phát triển ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp để thay đổi nhận thức, tập quán sản xuất của người dân, hướng đến bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường. Tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho người dân kiến thức, quy trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (chủ yếu là sản xuất an toàn, VietGAP, theo hướng hữu cơ) cũng như chuyển giao những tiến bộ KHKT, công nghệ mới thân thiện với môi trường, hiệu quả kinh tế cao.
THU DỊU