Bảo tồn di sản gắn phục vụ du lịch
Từ đầu tháng 11.2022, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở VH&TT, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật tuồng, bài chòi phục vụ nhân dân và du khách tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành (TP Quy Nhơn), góp phần đưa sân khấu truyền thống của Bình Định trở thành sản phẩm phục vụ du lịch.
Cùng với việc xây dựng các tiết mục tuồng, bài chòi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền và biểu diễn phục vụ công chúng, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh còn bảo tồn, phục hồi, nâng cao nhiều vở diễn, dàn dựng các vở diễn mới để làm đa dạng, phong phú kịch mục.
Từ đầu tháng 11.2022, Nhà hát được giao thêm nhiệm vụ xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ vào tối thứ Bảy hằng tuần tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành để phục vụ nhân dân và du khách.
Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh biểu diễn tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành vào tối thứ Bảy hằng tuần, phục vụ nhân dân và du khách. Ảnh: NGỌC NHUẬN
NSƯT Huỳnh Thị Kim Châu, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, kiêm Trưởng Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, cho biết: Nhà hát triển khai cho Đoàn tuồng Đào Tấn và Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định xây dựng các tiết mục nghệ thuật, luân phiên biểu diễn tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành đảm bảo sự tươi mới để phục vụ người dân và du khách. Bên cạnh các chương trình ca múa nhạc tổng hợp, còn lồng ghép các tiết mục ngắn giới thiệu nghệ thuật tuồng, bài chòi, như: Múa trình tường, múa Chăm, hò đối đáp, biểu diễn hòa tấu, độc tấu nhạc cụ dân tộc… để giới thiệu nghệ thuật sân khấu truyền thống với công chúng.
“Sau gần 4 tháng biểu diễn, công chúng đã quen với sự hiện diện của các nghệ sĩ của Nhà hát tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành vào các buổi tối cuối tuần. Chúng tôi từng bước lồng ghép vào chương trình các trích đoạn tuồng, bài chòi trong những vở diễn chủ đề về lịch sử, xã hội để biểu diễn, giúp người dân, du khách hiểu hơn nghệ thuật đặc trưng riêng của Bình Định”, NSƯT Huỳnh Thị Kim Châu chia sẻ.
Không chỉ tham gia biểu diễn phục vụ công chúng, nhiều nghệ sĩ còn tận dụng mạng xã hội để giới thiệu về nghệ thuật hát bội, bài chòi Bình Định. Tại mỗi điểm diễn, nghệ sĩ Thùy Dung, diễn viên Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định, thường livestream trên trang Facebook cá nhân khung cảnh biểu diễn, giới thiệu các trích đoạn, cũng như nhân vật trong vở diễn, không khí khán giả đến thưởng thức bài chòi ở mỗi điểm diễn… Nghệ sĩ Thùy Dung tâm tình: “Bạn bè trên Facebook của tôi rất nhiều, đa số là nghệ sĩ ở khắp nơi trong nước, nên tôi chia sẻ lên Facebook là cách giới thiệu sân khấu nghệ thuật truyền thống ở Bình Định. Từ đó, bạn bè của tôi có thể tiếp tục chia sẻ, giúp quảng bá nghệ thuật tuồng, bài chòi Bình Định đến rộng rãi với người dân, du khách cả nước thông qua mạng xã hội”.
Năm 2023, cùng với các vở diễn bảo tồn, dựng mới, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh chú trọng xây dựng các tiết mục tạo sự tươi mới, xây dựng kế hoạch làm tờ gấp giới thiệu nét đặc trưng của nghệ thuật tuồng, bài chòi; xây dựng các tiết mục biểu diễn, giới thiệu các tour du lịch trải nghiệm đến Nhà hát… để phục vụ công chúng gắn với quảng bá di sản văn hóa phi vật thể của Bình Định.
Ông Văn Bá Dũng, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh, cho biết: Để phát huy giá trị nghệ thuật tuồng, bài chòi gắn phục vụ du lịch là phải biến Nhà hát trở thành điểm đến du lịch. Muốn như vậy, chúng tôi cũng phải “bắt tay” thật chặt với Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Bình Định, Hiệp hội Du lịch Bình Định để phối hợp đưa du khách đến Nhà hát. Về phía mình, chúng tôi cũng đang có kế hoạch bổ sung tư liệu, hiện vật cho phòng truyền thống nghệ thuật bài chòi; xây dựng các tiết mục giới thiệu các trích đoạn tuồng, bài chòi với thời lượng ngắn từ 10 - 15 phút. Đồng thời, cũng tính đến việc khi du khách đến Nhà hát, ngoài việc tham quan, tìm hiểu phòng truyền thống, thưởng thức các tiết mục tuồng, bài chòi, cũng sẽ được trải nghiệm mặc trang phục tuồng, bài chòi chụp ảnh; trực tiếp được các nghệ sĩ hướng dẫn vẽ mặt nạ tuồng; mua quà lưu niệm tại Nhà hát, như mặt nạ tuồng… Qua đó sẽ bảo tồn, gìn giữ và phát huy nghệ thuật tuồng, bài chòi của Bình Định gắn với phát triển du lịch.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN