Thế giới của những bức ảnh…
Trước nỗi đau của người khác (NXB Tri thức, 2022) của Sunsan Sontag do Chu Đình Cương dịch là tập tiểu luận với xuyên suốt chủ đề về nhiếp ảnh. Điều thú vị, suốt 200 trang không một bức ảnh minh họa nhưng sách đã mở ra nhiều không gian, thôi thúc người đọc bước vào để cảm nhận niềm vui, nỗi đau đớn đang trập trùng hiện hữu nơi ấy.
Những bức ảnh về sự khốc liệt của chiến tranh; những người lính mang trên mình thương tích, chẳng vẹn hình hài; những nạn nhân của cuộc chiến, sự hoang mang và đau đớn hiện rõ mồn một trên từng khuôn ảnh chẳng chút dàn dựng… hết thảy, được dựng lên như những thước phim 3D bằng ngôn ngữ của Susan Sontag khiến người đọc nhói lòng… Những cuộc chiến trên thế giới, cả chiến tranh ở Việt Nam được tác giả dẫn chứng trong sách. Sự trần trụi được phô bày. Và sau lớp vỏ của hình ảnh, ngôn ngữ là lằng lặng bao thứ đáng ngẫm ngợi về nỗi đau từ phía những cuộc chiến. “Chúng ta không nắm bắt được. Chúng ta không thể thực sự hình dung nổi. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi chiến tranh đáng sợ thế nào, kinh hãi thế nào; và nó đã trở nên bình thường thế nào. Không hiểu nổi, không tưởng tượng nổi. Đó là những gì mà mỗi người lính, mỗi nhà báo, mỗi nhân viên cứu trợ, và mỗi người quan sát độc lập, những người đã trải qua thời gian dưới làn đạn và may mắn thoát khỏi cái chết giáng xuống người bên cạnh, cảm thấy một cách dai dẳng. Và họ đúng”.
Đọc sách, ta cảm giác được sự chuyển động nội tâm của người viết. Bà đã bước vào thế giới của bức ảnh, đi theo những hình nét, sắc màu li ti, chi tiết nhỏ bé nhất để đưa ra những cảm nhận sắc sảo về cái đẹp từ những đau khổ, những ẩn ức. Ngoài những giá trị thẩm mỹ và các vấn đề liên quan đến nhiếp ảnh, sách còn khiến người đọc phải tự “đối thoại” và “gây gổ” với sự hời hợt, dễ dãi của bản thân, soi chiếu lại chính mình…
Susan Sontag (1933 - 2004) là nhà văn, nhà làm phim, triết gia, giáo viên và nhà hoạt động chính trị người Mỹ. Bà tích cực đi và viết về các khu vực xung đột, bao gồm cả chiến tranh Việt Nam. Các tiểu luận của bà về nhiếp ảnh, văn hóa, truyền thông, AIDS và bệnh tật, nhân quyền, và hệ tư tưởng cánh tả thu hút nhiều sự quan tâm; và bà được đánh giá là “một trong những nhà phê bình có ảnh hưởng nhất trong thế hệ của mình”. Năm 2001, Sontag được nhận giải thưởng văn học Jerusalem, giải thưởng vinh danh các nhà văn sáng tác về quyền tự do cá nhân trong xã hội. Trước cuốn sách Trước nỗi đau của người khác, Susan Sontag từng viết cuốn Bàn về nhiếp ảnh (Phương Nam Book & NXB Thế Giới, 2018) do Trịnh Lữ dịch.
VÂN PHI