Bộ Tài chính: Không để ngân hàng tiếp tục ép khách vay mua bảo hiểm
Bộ Tài chính chỉ đạo lập đường dây nóng, thanh tra hãng bảo hiểm để không tiếp tục xảy ra tình trạng ép khách mua bảo hiểm kèm khoản vay.
Chỉ đạo này được Bộ Tài chính đưa ra với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) ngày 20.2.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết đã nhiều lần chỉ đạo tăng cường thanh tra hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, các công ty môi giới nhằm hạn chế tình trạng gian lận, trục lợi bảo hiểm và đảm bảo tối đa quyền lợi của người mua.
Tuy nhiên, thời gian qua, vẫn xảy ra tình trạng nhân viên một số ngân hàng tiếp tục giới thiệu, chào mời, ép buộc khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư khi tới gửi tiền hoặc vay vốn. Do đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc tiếp tục yêu cầu "thanh tra các hãng bảo hiểm, gồm cả đại lý và môi giới, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm mới được vay vốn hoặc giới thiệu người gửi tiền đầu tư vào các sản phẩm bảo hiểm liên kết trái quy định".
Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cần công bố đường dây nóng (số điện thoại, email) để tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp về các biến tướng của thị trường. Đơn vị này phải phân công cán bộ trực 24/7 và kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định.
Thời gian qua, nhiều người dân phản ánh việc vay ngân hàng bắt buộc phải mua kèm bảo hiểm. Đặc biệt giai đoạn gần cuối năm 2022, với lý do ngân hàng "cạn room tín dụng", nhiều khách vay cho biết bị ngân hàng ép vào đường cùng khi điều kiện cần để giải ngân là mua gói bảo hiểm tương đương 3-4% giá trị khoản vay. Thậm chí, một số khách hàng đáo hạn khoản vay cũng bị yêu cầu mua kèm bảo hiểm mới được giải ngân.
Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng được yêu cầu phối hợp cơ quan thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước xử lý nghiêm ngân hàng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.
Bên cạnh đó, đơn vị này cần rà soát và báo cáo đánh giá rủi ro tình hình thị trường bảo hiểm Việt Nam, thực trạng số lượng, hoạt động của các doanh nghiệp, đại lý bảo hiểm, tái bảo hiểm so với quy mô thị trường và việc tuân thủ các quy định về huy động, đầu tư vốn của các doanh nghiệp bảo hiểm tại một số lĩnh vực có hệ số rủi ro cao.
(Theo QUỲNH TRANG/VnE)