Tin vắn
● Gần đây, nhờ có máy chà bột, việc chế biến bột bình tinh trở nên dễ dàng hơn nên nhiều nông dân ở xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn có xu hướng khôi phục diện tích trồng cây bình tinh, nhất là trồng xen canh với cây ăn trái. Cây bình tinh chịu rập, dễ trồng, ít công chăm sóc, thu nhập khoảng 10 - 16 triệu đồng/sào. Theo ông Nguyễn Trọng Chinh, Giám đốc HTXNN - Dịch vụ tổng hợp Bình Hòa, trồng bình tinh nặng công nhất là khâu sơ chế bột, nên dù bột bình tinh bán chạy, giá ổn nhưng nhiều hộ vẫn ngại trồng; nay có máy móc hỗ trợ nên nhiều người đã trồng bình tinh trở lại, lợi nhuận từ đây cao hơn rất nhiều so với trồng mì. Chỉ sau một thời gian ngắn ở Bình Hòa đã có hơn 1 ha bình tinh.
Ông Nguyễn Thành Nhơn, ở thôn Trường Định 2, xã Bình Hòa thu hoạch củ bình tinh trồng xen canh với cây mãng cầu. Ảnh: Đ. NGỌC
ĐINH NGỌC
● Hưởng ứng phong trào “Thắp sáng đường quê” nhân dân xã Cát Trinh, huyện Phù Cát đã tự nguyện đóng góp gần 750 triệu đồng, lắp đặt đèn chiếu sáng dọc các tuyến đường trong xã với tổng chiều dài hơn 15,5 km/310 bóng đèn tiết kiệm điện. Đến nay, 100% các tuyến đường trong xã Cát Trinh đã được “phủ kín” đèn chiếu sáng.
THẾ HÀ
● Tham quan thực tế, nghiên cứu mô hình tôm - lúa tại huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, Đoàn 12 giáo sư, nghiên cứu sinh và sinh viên của Đại học Tokyo (Nhật Bản) đã đánh giá cao mô hình luân canh tôm - lúa tại huyện Mỹ Xuyên, xem đây là mô hình phát triển bền vững (sustainable development), thân thiện với môi trường và là mô hình “thông minh”, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mô hình luân canh tôm - lúa huyện Mỹ Xuyên được hình thành cách đây khoảng 30 năm.
(Theo NNVN)