Nga tạm ngừng Hiệp ước New START: Khi niềm tin bị xói mòn
Liên Hiệp Quốc kêu gọi Mỹ và Nga ngay lập tức quay lại thực thi đầy đủ Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới, hay còn gọi New START. Quyết định của Nga đình chỉ Hiệp ước là một tín hiệu nữa cho thấy niềm tin ngày càng xói mòn giữa 2 quốc gia nắm giữ tới 90% số đầu đạn hạt nhân trên thế giới.
Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric ngày 21.2 kêu gọi Nga và Mỹ nên tiếp tục thực hiện đầy đủ Hiệp ước New START về kiểm soát vũ khí hạt nhân mang tính bước ngoặt:
"Một thế giới không có kiểm soát vũ khí hạt nhân là một thế giới nguy hiểm và bất ổn hơn nhiều với những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra. Mọi nỗ lực nên được thực hiện để tránh kết quả này, bao gồm việc quay lại đối thoại ngay lập tức. Tôi sẽ nhắc lại quan điểm rõ ràng của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres là Nga và Mỹ nên nối lại việc thực hiện đầy đủ Hiệp ước New START mà không được chậm trễ. New START và sự thành công của các hiệp ước song phương về cắt giảm vũ khí hạt nhân chiến lược giữa hai nước đã mang lại an ninh không chỉ cho Nga và Mỹ, mà còn cho toàn bộ cộng đồng quốc tế”. - ông Dujarric nói.
Nga và Mỹ đang chiếm tới 90% số lượng đầu đạn hạt nhân trên thế giới. Ảnh: Getty Images.
Hiệp ước New START, được xây dựng dựa trên các thỏa thuận trong Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân, sẽ không hết hạn cho đến tháng 2.2026. Tuy nhiên trên thực tế các cuộc kiểm tra thường xuyên theo yêu cầu của hiệp ước đã không được tổ chức trong gần ba năm qua.
Nguyên nhân một phần do đại dịch Covid-19 và hơn hết là mối quan hệ ngày một đi xuống giữa Nga và Mỹ. Đánh giá về tác động của quyết định đối với tương lai kiểm soát vũ khí, chuyên gia Heather Williams tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) cho biết:
"Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà chúng ta thực sự cần nhận thức được là quyết định có nghĩa là đối thoại song phương giữa Mỹ và Nga sẽ kết thúc. Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (New START) là một trong số ít diễn đàn còn lại cho các cuộc thảo luận song phương đó, đặc biệt là các cuộc thảo luận có sự tham gia của các quan chức quốc phòng. Và vì vậy, với sự kết thúc của New START, chúng ta không chỉ mất đi một thỏa thuận kiểm soát vũ khí, mà còn đang mất đi một kênh liên lạc thực sự quan trọng vào đúng thời điểm chúng ta cần nó nhất”.
Trên thực tế, số phận của Hiệp ước New START “ba chìm bảy nổi” cùng với sự lên xuống của mối quan hệ giữa Nga và Mỹ. Dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, văn kiện nhiều lần đứng trước nguy cơ đổ vỡ và chỉ được gia hạn sau khi Tổng thống Mỹ Biden lên năm quyền năm 2021. Tháng 8.2022, Nga đã "tạm thời" đình chỉ các cuộc thanh tra kho vũ khí hạt nhân của mình theo hiệp ước nhằm phản đối các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với máy bay Nga, khiến Điện Kremlin không thể đưa các thanh sát viên của mình đến Mỹ. Các chuyên gia cảnh báo, kịch bản về sự sụp đổ của New START sẽ đánh dấu sự sụp đổ gần như hoàn toàn của cấu trúc không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Mỹ và Liên Xô đã xây dựng trong suốt những năm 1980, 1990.
Các cuộc họp về Hiệp ước New START là kênh song phương duy nhất còn lại để Nga và Mỹ đàm phán các vấn đề kỹ thuật liên quan đến kiểm soát vũ khí. Cuộc họp cuối cùng của Ủy ban Tư vấn Song phương là vào tháng 10 năm ngoái.
Theo Thu Hoài (VOV1)